Khó giải bài toán cân đối vốn đầu tư từ ngân sách
Còn theo đánh giá của Thường trực Ủy ban, được nêu tại báo cáo thẩm tra thì đây là “bước tiến mới trong tư duy”, tạo căn cứ quan trọng huy động nguồn lực, tránh phân bổ và giao hàng năm như trước đây, góp phần tạo sự chủ động cho các địa phương.
Tuy nhiên, với sự co lại một cách đáng quan ngại của ngân sách nhà nước, bài toán vốn đầu tư, cho dù ngắn hạn hay trung hạn cũng đầy hóc búa.
Nhu cầu lớn, vốn hạn hẹp
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, ở bản báo cáo riêng về nội dung này cho biết, về nguyên tắc tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước được xác định bằng tổng số bội chi ngân sách và tiền sử dụng đất hàng năm.
Nhu cầu đầu tư nguồn vốn ngân sách nhà nước của các bộ, ngành, địa phương năm sau khoảng trên 362 nghìn tỷ đồng, gấp hai lần kế hoạch năm nay, bộ này cho biết.
Nhưng, nếu tính đủ hai khoản theo nguyên tắc nói trên thì chi đầu tư phát triển cho năm sau cũng mới chỉ là 201 nghìn tỷ đồng. Còn báo cáo thẩm tra, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết, Chính phủ dự kiến chi 177 nghìn tỷ đồng (bằng 98,3% so với dự toán 2012). Con số này nhận được sự đồng tình của đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban với lý do để khắc phục những yếu kém trong công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản thực hiện chủ trương tái cấu trúc đầu tư công, tăng dư địa đầu tư cho các thành phần kinh tế khác.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Hiển cho biết, một số ý kiến tại cơ quan thẩm tra cho rằng cần phải bố trí đủ 201 nghìn tỷ đồng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tỏ ra quan ngại về khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư cho năm 2013 quá thấp, nên hầu hết các chương trình dự án chỉ bố trí được mức vốn bằng khoảng 30 - 50% nhu cầu cần thiết và chỉ bằng 70 - 80% kế hoạch 2012. Nhiều chương trình đang thực hiện phải giãn, hoãn tiến độ, không thể hoàn thành trong giai đoạn 2012 - 2015.
Điều này cũng dễ lý giải, vì sao hình ảnh mỗi công trình đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng, giải ngân 500 tỷ đồng đổ được ít đá sỏi, lăn lu vài bữa, bắt đầu ôtô chạy qua lại trôi hết như ví dụ được Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nêu tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thường trở đi trở lại ở không ít diễn đàn, với nỗi lo lãng phí trong đầu tư công chưa khi nào vơi cạn.
Vậy nên cũng chưa hẳn lý lẽ bố trí vốn thấp hơn theo quy định “để khắc phục những yếu kém trong công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản” như phân tích của cơ quan thẩm tra đã hoàn toàn thuyết phục.
Thấp nhất trong nhiều năm
Riêng 2013 đã khó, cả giai đoạn 2013 - 2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết tổng nhu cầu vốn ngân sách nhà nước tối thiểu khoảng 1.300 nghìn tỷ đồng, song dự kiến chỉ có thể cân đối được 643 nghìn tỷ đồng, chiếm 5,5% GDP, 19% tổng chi ngân sách nhà nước. Đây là tỷ lệ thấp nhất so với 6 năm qua.
Các con số tương tự được dẫn ngay tại báo cáo lần lượt là 9,7% và 28,7% của 2006, đến 2007 là 9,12% và 27,4%, con số của 2008 là 8,4% và 26,4%, đến 2009 là 10,9% và 32,3%, sang 2010 là 9,26% và 21,5%, với 2011 là 6,9% và 21,2%, còn 2012 là 6,4% và 20,7%.
Được ưu tiên bố trí từ nguồn vốn 2013 là các chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển các ngành, lĩnh vực: nông nghiệp, nông thôn, quốc phòng, an ninh, biên giới, biển đảo, xóa đói, giảm nghèo…
Đó là mặt được, còn về hạn chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận tổng số vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước giai đoạn này mới bố trí ở mức rất thấp, đáp ứng được 45% nhu cầu tối thiểu cần thiết của các bộ, ngành và địa phương để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Khen về cách làm, song cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ làm rõ tính khả thi của phương pháp tính tổng mức đầu tư phát triển hàng năm, khi trên thực tế năm 2013 đã không đảm bảo nguồn lực để thực hiện nguyên tắc này.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng cho rằng Chính phủ chưa làm rõ về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn trung hạn mà vẫn căn cứ nguyên tắc phân bổ hiện nay. Đồng thời chưa căn cứ vào chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn tới.
Liên quan đến con số cụ thể, nhiều ý kiến tại cơ quan thẩm tra đề nghị ổn định chi đầu tư phát triển cho giai đoạn 2013 - 2015 với mức cố định 175.000 tỷ đồng/năm để bảo đảm cho các địa phương chủ động trong xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn thực hiện.
Tại phiên thảo luận ngày 16/10 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã lưu ý, Chính phủ và trực tiếp là Bộ Kế hoạch và Đầu tư không thể để chậm trễ việc phân bổ đầu tư công năm 2013 đến tận tháng 8 như năm 2012. Mà phải phân bổ ngay từ bây giờ để đến 31/12/2012 là hoàn thành.
Nguồn VnEconomy