Thứ Hai | 05/11/2012 07:52

Khó bảo lãnh tín dụng cho ngành chế biến điều

Bộ Tài chính đang trình Quốc hội sửa đổi Luật Quản lý thuế, trong đó có việc bỏ quy định ân hạn thuế nhập khẩu nguyên liệu cho hàng xuất khẩu.
Không chỉ các ngành dệt may, giày da, thủy sản kiến nghị việc này sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp mà ngành điều cũng cho rằng ân hạn thuế đang là một chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.

Năm 2011, cả nước chế biến được hơn 800 nghìn tấn hạt điều nguyên liệu, trong đó số hạt điều thô trong nước chỉ cung cấp được gần một nửa (khoảng 400 nghìn tấn), phần còn lại phải nhập khẩu từ một số quốc gia Đông Nam Á và châu Phi.

Ông Nguyễn Thái Học, Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas), Tổng giám đốc Công ty Donafoods cho biết, phần lớn các doanh nghiệp chế biến hạt điều trong nước hiện nay nguồn vốn không lớn, việc dự trữ nguyên liệu phải kéo dài khoảng 6 tháng, thậm chí có những lô hàng phải mất 9 tháng cho tới khi chế biến bán được, thu hồi tiền về.

Đứng trước việc bỏ ân hạn thuế, ông Học nói: “Trong thời điểm này, tôi nghĩ chưa nên bỏ chính sách ân hạn thuế, bởi chính sách này đang là chiếc “phao” để doanh nghiệp nhiều ngành hàng xuất khẩu, trong đó có ngành chế biến hạt điều bám vào. Hiện nay, tình hình kinh tế rất khó khăn đã tác động mạnh đến thị trường tiêu thụ và doanh nghiệp đang phải cố gắng chống đỡ”.

Cũng theo ông Học, khi bỏ ân hạn thuế, chắc chắn chỉ còn một số doanh nghiệp lớn mới có thể nhập khẩu được nguyên liệu, vì những doanh nghiệp nhỏ sẽ không còn vốn và như vậy ngôi vị xuất khẩu hạt điều số 1 thế giới của Việt Nam cũng khó giữ được.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 10 tháng của năm 2012, lượng nhân điều xuất khẩu của Việt Nam đạt 181 nghìn tấn, đạt kim ngạch 1,224 tỷ USD, tăng 25,8% về lượng và 2,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2011. Thị trường tiêu thụ hạt điều lớn vẫn là Mỹ, chiếm tỷ trọng giá trị 28,21%, kế đến là Trung Quốc 17,58% và Hà Lan 12,09%. Hiện tại, Việt Nam vẫn đang giữ đầu bảng về xuất khẩu nhân điều trên thế giới.


Nếu tính cả nước, số lượng doanh nghiệp loại nhỏ và vừa làm hàng xuất khẩu còn khá nhiều, chỉ riêng Vinacas đã có hơn 200 doanh nghiệp, trong đó chiếm 50% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là nhóm doanh nghiệp khó có thể được các tổ chức tín dụng bảo lãnh cho nguyên liệu nhập khẩu, nhất là trong thời điểm sản xuất kinh doanh nhiều biến động như hiện nay.

Ông Học còn cho rằng, ngay cả những doanh nghiệp chế biến điều lớn được bảo lãnh tín dụng cũng gặp phải khó khăn về vốn. Bởi ngân hàng đã cấp hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp, vì vậy khi bảo lãnh hàng thì sẽ bị trừ vào hạn mức, như thế doanh nghiệp lại rơi vào tình trạng thiếu vốn cho sản xuất. Như vậy cả doanh nghiệp nhỏ và vừa lẫn doanh nghiệp lớn của ngành điều đều rơi vào khó khăn.

Nguồn Báo Đồng Nai


Sự kiện