Nhu cầu vay tiêu dùng đang phát triển mạnh. Ảnh minh họa: Quý Hòa
Khi tín dụng đen núp bóng "P2P Lending"
Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước, ông Phạm Chí Quang, tại Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các giải pháp của ngành ngân hàng góp phần hạn chế tín dụng đen, hôm 26.12, xác nhận, cho vay ngang hàng (P2P Lending) và tín dụng đen núp bóng công nghệ này đang là “một vấn nạn”.
Mặt trái của P2P Lending
Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam ghi nhận, khoảng 79% người dân không được tiếp cận với các dịch vụ tài chính chính thức. Hầu hết những người này không thể hoặc không được tiếp cận dịch vụ ngân hàng, nhưng có nhu cầu rất lớn về vay mượn.
Trên thực tế, nền tảng P2P Lending đang được xem là mô hình thành công của Fintech, xu hướng mới ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực tài chính tại Việt Nam, với phương thức hoàn toàn khác biệt với mô hình vay truyền thống.
Theo ông Quang, nền tảng cho vay ngang hàng giúp số đông người dân chưa, hoặc không có khả năng tiếp cận vốn trong hệ thống ngân hàng, nhưng có nhu cầu mượn tiền từ nhà đầu tư mà không cần qua trung gian.
Các khoản vay ở đây thường là nhỏ, từ 5 triệu đến 300 triệu đồng, từ nhiều người cho vay khác nhau, với thời hạn trung bình từ 1 tháng đến 2 năm, thời gian xét duyệt cho vay nhanh, giao dịch trực tuyến dễ dàng, lãi suất cho vay cạnh tranh…
Theo ông Quang, P2P Lending cũng có những mặt trái, dù chỉ mới phát triển trong vài năm gần đây. Việc lan tỏa công nghệ này, trong khi nhiều nền tảng liên quan đến loại hình này chưa được hoàn thiện, tồn tại nhiều lỗ hổng bảo mật trước nguy cơ tấn công mạng, đánh cắp thông tin, có thể gây thiệt hại lớn cho các bên tham gia.
Thậm chí, đang có xu hướng xuất hiện một số đối tượng ẩn danh dưới dạng công ty cho vay ngang hàng để trốn thuế, hoặc biến tướng để huy động tài chính, khiến người cho vay và người đi vay trỏ thành nạn nhân của hành vi lừa đảo, chiếm dụng vốn.
Ông Quang cũng xác nhận hiện tượng nhiều đối tượng cho vay nặng lãi, tín dụng đen núp bóng hình thức cầm đồ kết hợp với nền tảng công nghệ P2P Lending để cho vay với lãi suất cao, vượt xa trần lãi suất 20% quy định của Luật Dân sự 2015.
Pháp lý và trách nhiệm
Thực ghi nhận tín dụng đen khi đổ vỡ gây ra hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu tới đời sống kinh tế xã hội, an toàn trật tự, làm nảy sinh nhiều hoạt động bất hợp pháp, hành vi đòi nợ thuê theo kiểu xã hội đen, ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng của người đi vay. Nhiều trường hợp vay tín dụng đen dẫn tới đổ vỡ nhà, mất tài sản, đảo lộn đời sống sinh hoạt của người dân.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Bộ Công an, trong 4 năm gần đây, trên toàn quốc xảy ra khoảng 7.624 vụ phạm tội liên quan tới tín dụng đen, với 56 vụ giết người, 629 vụ cướp tài sản, 836 vụ cướp đoạt tài sản, 1.690 vụ lừa đảo… Trong đó, có khoảng 100 vụ lừa đảo, lạm dụng liên quan tới việc huy động vốn với lãi suất cao với số tiền chiếm đoạt lên tới hàng nghìn tỉ đồng.
Bộ luật dân sự năm 2015 điều chỉnh mối quan hệ dân sự của các cá nhân, pháp nhân bao gồm pháp nhân, bao gồm các pháp nhân không phải là tổ chức tín dụng, trong đó có quy định về vay tài sản và lãi suất cho vay do các bên thoả thuận nhưng không vượt quá 20%/năm.
Đối với hành vi cho vay theo quy định tại điều 468 Bộ luật Dân sự, tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi này, người có hành vi vi phạm có thể bị xử phạt hành chính, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 201 của Bộ luật hình sự năm 2015.
Phó chánh thanh tra, Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước, ông Phạm Huyền Anh, cho rằng, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về trật tự an toàn xã hội nói chung và chống tội phạm, cũng như về tín dụng đen nói riêng trước hết là của Bộ Công an. Quan hệ dân sự trên nền tảng công nghệ này không thuộc pham vị điều chỉnh của NHNN và các tổ chức tín dụng.
Theo đề nghị của cơ quan công an và sở ban ngành, hệ thống ngân hàng đã xử lý 218 vụ việc có liên quan tới tín dụng đen tại 16 tỉnh, thành phố, với tổng số tiền khoảng 117 tỉ đồng, trong đó đã xử lý khoảng 72 vụ việc, khởi tố 14 vụ…
Ông Phó chánh thanh tra cũng khẳng định, tín dụng đen chưa xảy ra tại ngân hàng, chưa ảnh hưởng nhiều tới ngân hàng. Song, ông cảnh báo, nếu không được kiểm soát chặt chẽ, việc sử dụng vốn vay của khách hàng vay có thể dẫn tới việc sử dụng vốn vay không đúng mục đích, sử dụng vốn vay để cấp tín dụng đen, cho vay nặng lãi, làm ảnh hưởng xấu tới hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Xử lý nạn tín dụng đen, phía NHNN cho rằng, quan hệ cho vay giữa các cá nhân, tổ chức với nhau trên nền tảng P2P Lending cần phải được xem xét trong giao dịch dân sự nếu hoạt động cho vay này không phải là hoạt động ngân hàng.