Thứ Hai | 30/06/2014 07:49

Khi tiền đồng giảm giá

Đợt giảm giá tiền đồng lần này có biên độ nhỏ và không ảnh hưởng nhiều đến thị trường.
Tín dụng bế tắc, tiền đồng vẫn đang dư thừa trong hệ thống ngân hàng là điều có thể dễ nhận thấy, đặc biệt qua đợt giảm giá tiền đồng thêm 1% cùng đợt giảm lãi suất huy động vừa qua. Nhưng tiền đồng có thực sự giảm giá và Việt Nam được lợi gì từ việc này?
Giảm giá tiền đồng là hợp lý

Việc tỉ giá được điều chỉnh tăng thêm 1% không khiến nhiều người bất ngờ vì áp lực tỉ giá đã xuất hiện từ khá lâu, thể hiện qua việc mức tỉ giá giao dịch ở các ngân hàng vượt trần trong một thời gian dài. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra ở đây là vì sao Ngân hàng Nhà nước lại điều chỉnh tăng tỉ giá trong khi lượng dự trữ ngoại hối đã lên tới 35 tỉ USD, theo ước tính của HSBC.

Theo lý giải của Ngân hàng Nhà nước, việc điều chỉnh tỉ giá một phần là do kỳ vọng tỉ giá tăng trên thị trường và một phần là nhằm hỗ trợ cho xuất khẩu. Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, cho rằng giải thích của Ngân hàng Nhà nước là hợp lý. Tiến sĩ Lê Hồng Giang cũng đồng quan điểm khi chia sẻ trên blog cá nhân rằng việc giảm giá tiền đồng là phù hợp với lý do tiền đồng đang bị định giá quá cao.

Chính sách tiền đồng giảm giá có thể giúp cải thiện thương mại nhờ vào việc tăng xuất khẩu và giảm nhập khẩu. Vào thời điểm này năm trước, tỉ giá cũng được điều chỉnh tăng với biên độ tương tự. Sau 12 tháng, xuất khẩu tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao. Theo Tổng cục Hải Quan, tính hết năm 2013, kim ngạch xuất khẩu tăng 15,7%, trong khi nhập khẩu tăng 16,1% so với năm trước đó. Còn nếu tính trong 5 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu và nhập khẩu tăng lần lượt 15,9% và 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhưng theo ông Tuấn, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, đó mới chỉ là tác động trong ngắn hạn. Nhìn xa hơn, chính sách tiền đồng giảm giá còn có một lợi ích khác, đó là thúc đẩy nền sản xuất trong nước. Nếu tiền đồng có giá cao, doanh nghiệp khó vay, hoặc vay với chi phí cao, dẫn đến khả năng sản xuất bị giới hạn. Lúc này, doanh nghiệp sử dụng ngoại tệ để nhập hàng về bán thì tốt hơn là tự mình sản xuất. Vì thế, tiền đồng giảm giá sẽ giúp cho doanh nghiệp nội địa sản xuất với chi phí cạnh tranh hơn.

Thế nhưng, mức giảm giá 1% vẫn chưa đủ, nếu xét đến bài toán chi phí vốn đầu vào của doanh nghiệp. Gần đây một số ngân hàng đã giảm lãi suất huy động. Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng đã giảm xuống dưới mức trần 6%; lãi suất ở các kỳ hạn thấp hơn thậm chí giảm về mức 5-5,1%. Thế nhưng, những ngân hàng giảm lãi suất chỉ bao gồm các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước - những đơn vị có quy mô huy động vốn lớn nhất trên thị trường.

Trong khi đó, các ngân hàng nhỏ hơn vẫn chưa có động thái cụ thể. Đối với nhóm ngân hàng này, lãi suất luôn là một bài toán khó. Nếu điều chỉnh lãi suất theo các ngân hàng lớn, họ sẽ khó lòng hút vốn, nhưng nếu giữ lãi suất cao, lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng.

Thực tế cho thấy việc giảm lãi suất ở các ngân hàng lớn chưa hẳn đã kéo các ngân hàng khác hành động tương tự. Lần gần đây nhất là vào tháng 5 khi Vietcombank đi tiên phong hạ lãi suất huy động, nhưng lãi suất trên thị trường không vì thế mà giảm theo.

Mặt bằng lãi suất chung không giảm có nghĩa là doanh nghiệp vẫn tiếp tục đau đầu với bài toán chi phí đầu vào. Và hơn lúc nào hết, họ cần một cú hích mạnh hơn từ chính sách giảm giá tiền đồng. Theo đánh giá của HSBC, đợt giảm giá tiền đồng lần này có biên độ nhỏ và ảnh hưởng không nhiều đến thị trường. Tiến sĩ Lê Hồng Giang cũng cho rằng Ngân hàng Nhà nước nên giảm giá mạnh hơn vì mức 1% không thể bù đắp cho sức cạnh tranh đã bị lạm phát bào mòn trong thời gian trước đây.

Những tác dụng phụ

Chính sách tiền đồng giảm giá là nhằm hỗ trợ cho xuất khẩu, nhưng chưa chắc khối doanh nghiệp xuất khẩu trong nước sẽ được hưởng lợi từ chính sách này. Bởi lẽ, phần lớn xuất khẩu năm 2013 đến từ sự đóng góp của khối ngoại, chứ không phải các doanh nghiệp nội. Mặt khác, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu của doanh nghiệp nội ở Việt Nam năm 2013 vẫn còn cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu (7,2% so với 1,5%, theo số liệu của Tổng cục Hải Quan). Điều này đặt ra câu hỏi “Phải chăng khối ngoại đang được hưởng lợi nhiều hơn khối nội từ việc giảm giá tiền đồng?”.

Một điều quan trọng là dù tiền đồng giảm giá đi nữa, nhưng lại không có nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện để được ngân hàng cho vay thêm. Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 23.5, tín dụng chỉ tăng 1,31% so với cuối năm ngoái. Khi tiền đồng giảm giá mà không có người vay, liệu việc giảm giá này có còn nhiều ý nghĩa? “Tiền đồng dù giảm giá nhưng cũng đâu có ai mua”, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB), nhận xét.

Việc giảm giá tiền đồng cũng ảnh hưởng đến việc xây dựng chiến lược và kế hoạch ứng phó của doanh nghiệp đối với chính sách quản lý. Phó Tổng Giám đốc một ngân hàng thương mại có trụ sở ở TP.HCM (không muốn nêu tên) cho biết cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp đều thấy khó dự báo chính sách quản lý của Nhà nước và vì thế không dễ để xây dựng kế hoạch và chiến lược phù hợp. Vị này còn nhấn mạnh đợt tăng tỉ giá vừa qua hoàn toàn nằm ngoài dự kiến của ngân hàng và nhiều doanh nghiệp.

Thực vậy, những động thái của Ngân hàng Nhà nước đôi khi còn chưa thống nhất. Chẳng hạn, trong chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức vào ngày 8.6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tiếp tục cam kết duy trì tỉ giá ổn định và khẳng định tỉ giá chưa có cơ sở để điều chỉnh trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, chỉ hơn 1 tuần sau, tỉ giá đã được điều chỉnh tăng. Đây là một lý do khiến doanh nghiệp khó chủ động về kế hoạch kinh doanh của mình.

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư


Sự kiện