Khi tăng trưởng kinh tế thế giới lỗi nhịp với lãi suất và tiền tệ
Chính sách tiền tệ siêu lỏng, giá dầu giảm một nửa còn các đồng tiền đang giảm giá mạnh ở nhiều quốc gia trên toàn thế giới. Đây chính là công thức hoàn hảo để kinh tế toàn cầu tăng tốc.
Tuy nhiên, khi Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) công bố dự báo về tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới trong năm 2015, tổ chức này đã giữ nguyên con số 3,5%. Đây là mức thấp hơn con số 3,9% được đưa ra cách đây 1 năm, trước khi giá dầu lao dốc, USD tăng mạnh và ECB bắt đầu nới lỏng định lượng.
“Cách đây 15 năm, lãi suất và giá dầu ở mức thấp như hiện nay đồng nghĩa với sự bùng nổ của kinh tế thế giới”, Michala Marcussen – chuyên gia kinh tế đến từ ngân hàng Societe Generale – nói. Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy.
Marcussen nghi ngờ rằng những động lực chính tạo nên lực cầu trong quá khứ giờ đây không còn đủ mạnh mẽ. Bà thừa nhận những tác động tích cực từ lãi suất thấp, giá năng lượng rẻ và đồng tiền mất giá chỉ bằng một nửa so với những gì các chuyên gia kinh tế đã dự đoán.
Vậy thì, tại sao những cỗ máy đã từng tạo nên sức mạnh cho kinh tế thế giới không còn hiệu quả ở thời điểm hiện tại? Câu trả lời nằm ở một loạt các thay đổi trong cấu trúc của kinh tế thế giới kể từ khủng hoảng tài chính 2008 – 2009 đến nay.
Đúng là chi phí đi vay đang giảm xuống trên toàn thế giới, nhưng tác đông của xu hướng này lại bị cản lại bởi nhu cầu giảm nợ và làn sóng thắt chặt nguyên tắc cho vay ở các ngân hàng.
Đối với giá dầu, các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả đang làm tiêu tan lợi ích từ giá giảm. Trong khi đó, Nhật Bản là ví dụ điển hình cho trường hợp đồng nội tệ yếu tạo nên một cuộc chiến về giá thay vì làm lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Bên cạnh đó còn có những lý do mang tính cơ bản hơn. Dân số già hóa có nghĩa là những người sẽ nghỉ hưu trong tương lai tiết kiệm nhiều hơn. Thêm vào đó, Trung Quốc đang xuất khẩu giảm phát.
Chuyên gia kinh tế trưởng tại ngân hàng HSBC Stephen King cho rằng các nhà kinh tế học và mô hình của họ không thể nhận ra rằng thế giới đã thay đổi giải thích tại sao các dự báo thường sai. Từ năm 2000 đến nay, giới phân tích đã có hơn 10 lần ước lượng quá mức tăng trưởng hàng năm của Mỹ và chỉ có 3 lần đưa ra mức dự báo thấp hơn so với thực tế. Dự báo về tăng trưởng của Nhật Bản, Đức và Anh cũng ở trong tình trạng tương tự.
Nguồn An ninh Tiền tệ