Khi quỹ ngoại "khát" nước
Hơn 49% vốn cổ phần của Cấp nước Củ Chi vừa được sang tên từ tay CII và chia đều cho hai nhà đầu tư ngoại là VOI và Manila Water. Manila Water thì không xa lạ nhưng VOI lại khá mới. Sự xuất hiện của các nhà đầu tư mới gần đây đã khiến ngành nước sôi động trở lại.
Ở Việt Nam, tốc độ đô thị hóa cao đi kèm với tăng trưởng kinh tế đòi hỏi năng lực cung ứng nước sạch cũng phải tăng lên tương ứng. Loại hình kinh doanh tài nguyên quý giá nhưng không vô tận này là vô cùng tiềm năng, bởi ngành sản xuất công nghiệp nào cũng cần đến nước. Ngân hàng Thế giới ước tính, muốn sản xuất ra một trang giấy thì phải cần đến 10 lít nước.
Cú bắt tay giữa VOI với CII và Manila Water vừa qua có phần bắt nguồn từ lịch sử hợp tác. Thành lập từ năm 2009, đây là liên doanh giữa 2 quỹ đầu tư thuộc sở hữu nhà nước: Quỹ Dự trữ quốc gia vương quốc Oman và Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước Việt Nam (SCIC). VOI mang hình thức đầu tư tài chính nhiều hơn là nhúng tay vào sản xuất trực tiếp. Quỹ này không chỉ đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng nước, mà còn rót vốn vào các ngành khác như thủy điện, y tế, hạ tầng giao thông.
Ngành nước trong giai đoạn trước đây nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư ngoại, nhưng phần lớn là nhà đầu tư tài chính. Khi thị trường nước bắt đầu mở cửa bằng việc cổ phần hóa những doanh nghiệp cấp nước, các quỹ lớn và lâu đời ở Việt Nam lập tức nhảy vào. Điển hình, Dragon Capital với Nhà máy B.O.O nước Thủ Đức, Maybank Kim Eng Securities đầu tư vào Cấp nước Bến Thành, Cấp nước Gia Định và VinaCapital tại Cấp nước Thủ Đức. Thậm chí, Vinamilk cũng từng có thời đi mua cổ phần của các công ty nước IPO.
Sau giai đoạn này, thị trường bắt đầu hình thành những nhà đầu tư ngành nước chuyên nghiệp hơn. Các quỹ bắt đầu thoái vốn và nhường lại cho các nhà đầu tư trong nước như REE và CII.
Giai đoạn gần đây, ngành nước lại đón nhận nhiều hơn sự quan tâm từ các quỹ ngoại. Cụ thể, America LLL vừa nâng tỉ lệ sở hữu lên 9,03% tại Cấp nước Nhơn Trạch. Các nhà đầu tư Mỹ gần đây cũng quan tâm hơn đến ngành nước Việt Nam, theo báo cáo của CII sau chuyến đi kêu gọi đầu tư hồi tháng 9. Trong đó, các nhà đầu tư Mỹ đánh giá thị trường nước tại Việt Nam là một lĩnh vực đầy hứa hẹn. Manila Water là một trong những dẫn chứng thuyết phục họ. Tại Việt Nam, Manila Water không chỉ là nhà đầu tư tài chính, mà còn trực tiếp tham gia nhiều dự án sản xuất. Cụ thể, Manila Water kết hợp với SII, một công ty con của CII, tạo nên một “cặp bài trùng” đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng nước.
Bốn năm kể từ khi đầu tư vào nhà máy nước B.O.O Thủ Đức, Manila Water ngày càng bước sâu hơn vào thị trường nước Việt Nam. Mới gần đây, vào đầu tháng 10 vừa qua, Manila Water công bố sẽ đầu tư thêm 4,26 triệu USD vào Việt Nam trong thời gian tới. Nhưng đó là chuyện tương lai, còn hiện tại ở đất nước mới chỉ có 60% dân số tiếp cận được với nước sạch này, Manila Water, cùng với SII, không ngừng mở rộng mạng lưới đầu tư và hướng đến cả khâu cung cấp.
Hiện nay, Manila Water trực tiếp sở hữu các nhà máy nước như B.O.O Thủ Đức (năm 2011), B.O.O Đồng Tâm, Tiền Giang (năm 2012) và Kênh Đông. Đơn vị thoái vốn ra cho Manila Water phần lớn là SII. Bên cạnh đó, Manila Water còn đầu tư trực tiếp vào SII và người của Manila Water cũng đã ngồi vào ghế Hội đồng Quản trị. Hồi đầu tháng 10, ông Ronnie Lim, Trưởng Văn phòng đại diện của Manila Water tại Việt Nam, tham gia điều hành SII với chức vụ Phó Tổng Giám đốc.
Thông qua việc trực tiếp sở hữu SII, Manila Water gián tiếp nắm quyền sở hữu nhiều nhà máy, dự án nước và nhiều công ty nước khác. Trong số này có thể kể đến nhà máy nước Củ Chi (mà SII vừa bán lại cổ phần cho Manila Water) và Cần Thơ. Trong 2 năm gần đây, SII liên tục đầu tư nhà máy nước và cũng vừa khánh thành nhà máy nước Sài Gòn Pleiku vào tháng 9.
Ngoài cặp bài trùng kể trên, còn có REE kết hợp với Tổng Công ty Nước Sài Gòn (Sawaco) để xây dựng nhà máy nước. Hồi tháng 8 vừa qua, dự án mở rộng nhà máy nước Thủ Đức giai đoạn 3 đã khánh thành, thuộc công ty SWIC (tỉ lệ vốn góp của REE và Sawaco là 40:60).
Xem ngành nước là mảng đầu tư dài hạn và mang về dòng tiền ổn định, REE đầu tư một cách khá nghiêm túc và bài bản. Song song với việc trực tiếp tạo ra Công ty Đầu tư nước sạch Việt Nam (sở hữu 99,97%), REE còn đi liên kết với những doanh nghiệp nước lớn khác, kể cả hợp tác với Sawaco, CII hay Manila Water. Qua đó, REE sở hữu B.O.O Nước Thủ Đức (42,1%), Đầu tư và kinh doanh nước sạch Sài Gòn (40%), Đầu tư nước Tân Hiệp (32%), Cấp nước Thủ Đức (43,11%) và Cấp nước Trung An (29%).
So với cặp bài trùng kể trên, REE còn thiếu bề dày về năng lực và kinh nghiệm trong ngành nước. Tuy nhiên, điều này phần nào được bù đắp từ sự kết hợp chặt chẽ với Sawaco, đặc biệt mang lại thêm lợi thế phân phối. Đây cũng là mảnh ghép mà Manila Water và CII đang tìm cách bổ sung.
Thị trường bán lẻ nước cũng đang dần cởi mở hơn. Năm ngoái, CII đã được chấp thuận cho thí điểm bán lẻ nước sạch tại một số quận ở TP.HCM theo hình thức BOOT ( xây dựng - sở hữu - vận hành - chuyển giao).
Một cách khác, các nhà đầu tư nay đã có thể tham gia dần vào thị trường phân phối nước thông qua việc sở hữu công ty cấp nước địa phương. Gần đây, REE đã mua cổ phần IPO của một số công ty nước địa phương như Cấp nước Khánh Hòa, hay Cấp nước Đồng Nai.
Rõ ràng, thị trường nước tại Việt Nam, trong thời gian sắp tới, hấp dẫn không chỉ vì tỉ lệ cung cấp nước thấp, tỉ lệ thất thoát cao (đến 30%) mà còn có sự hấp dẫn ở mảng bán lẻ nước.
Thanh Phong