Viết Nguyên Thứ Hai | 27/08/2018 14:00

Khi PNC không còn CGV

PNC đang chịu áp lực phải bán cổ phần ở CGV Việt Nam cho mục đích chủ yếu là trả nợ.

Công ty Cổ phần Văn hóa Phương Nam (PNC) vừa lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc bán 7,5% vốn điều lệ ở CJ CGV Việt Nam. Nếu giao dịch hoàn tất ngay trong năm 2018 như dự tính, PNC sẽ chính thức thoái vốn toàn bộ khỏi CGV Việt Nam. Ông Nguyễn Hữu Hoạt, Tổng Giám đốc PNC, cho biết, đã có một số đơn vị liên hệ với PNC để đặt vấn đề mua lại số cổ phần CGV Việt Nam. Nhưng quyết định cuối cùng sẽ còn chờ Hội đồng Quản trị. Mức giá dự kiến chào bán là 101 tỉ đồng, tương đương với định giá CJ CGV Việt Nam hơn 1.346,6 tỉ đồng (khoảng 61
triệu USD). 

Mức định giá này có phần nhỉnh hơn so với đợt chào bán vào tháng 6. Khi đó, PNC cũng đã lấy ý kiến cổ đông để thông qua kế hoạch chào bán 12,5% vốn tại CGV Việt Nam. Theo thông tin công bố, PNC chuyển nhượng cổ phần CGV Việt Nam cho Công ty Đầu tư Kim Cương Đen, với giá 160 tỉ đồng, định giá Công ty ở mức 1.280 tỉ đồng (khoảng 56,4 triệu USD).

Khi PNC khong con CGV
 

Theo các chuyên gia, đây đều là những mức chào bán “rẻ như cho”. Bởi từ năm 2011, khi quyết định mua lại Megastar (tên gọi cũ của CGV Việt Nam), CJ CGV Hàn Quốc đã định giá Megastar lên tới 100 triệu USD. Kể từ đó, quy mô CGV đã tăng gấp 5 lần (đến tháng 2.2018), khi thiết lập được 55 cụm rạp, với 339 phòng chiếu, giữ thị phần đứng đầu cách biệt 49% và ghi nhận doanh thu năm 2017 gần 2.800 tỉ đồng. Đến năm 2020, CGV đặt mục tiêu mở thêm 10-15 cụm rạp mỗi năm. Ông Sim Joon Beom, Tổng Giám đốc Công ty CJ CGV Việt Nam, cũng từng cho biết: “Công ty sẽ đầu tư thêm 200 triệu USD vào thị trường Việt Nam giai đoạn 2018-2020”.

Với tốc độ mở rộng này, mức định giá CGV Việt Nam khó có thể kém hơn CGV của 7 năm trước. Nhưng ở cả 2 lần chào bán tổng cộng 20% cổ phần  ở CGV Việt Nam, PNC đều đưa ra con số khiêm tốn. Ông Nguyễn Hữu Hoạt giải thích, PNC muốn chuyển nhượng cổ phần này vì CGV Việt Nam không hoạt động chung mảng bán lẻ sách mà PNC đang tập trung. Khoản đầu tư vào CGV cũng chỉ có ý nghĩa sổ sách, vì dù là khoản đầu tư liên kết lớn nhất của PNC, nhưng PNC chưa từng được chia cổ tức.

Hơn hết, Công ty cần tiền để trả nợ. Theo báo cáo tài chính hợp nhất, đến cuối năm 2017, PNC chỉ còn hơn 12 tỉ đồng tiền và tương đương tiền, so với gần 38 tỉ đồng vào đầu năm. Trong khi đó, theo thuyết minh báo cáo tài chính, PNC có khoản vay 7 triệu USD từ Cross Junction Investment Pte. Ltd (CJI), 30.6.2018 là hạn chót trả nợ vay. Khoản nợ này không được gia hạn và đã được thế chấp bằng toàn bộ phần vốn góp của PNC trong CGV Việt Nam. Trên báo cáo tài chính của PNC còn ghi nhận khoản nợ 18,1 tỉ đồng phải trả cho Envoy Media Partners Ltd. Đây là khoản mượn để góp vốn vào CGV Việt Nam. 

Như vậy, PNC chịu áp lực phải bán cổ phần ở CGV Việt Nam cho mục đích chủ yếu là trả nợ. Ở lần chào bán đầu tiên, thu về 160 tỉ đồng, PNC cơ bản thu xếp xong nợ và lãi vay. Tuy nhiên, ngoài trả nợ cho đối tác, nhà cung cấp, PNC vẫn cần tiếp tục thoái vốn để bổ sung vốn lưu động và trả cổ tức.

PNC đang cần tiền để đầu tư thêm vào mảng bán lẻ nhà sách. Ông Nguyễn Hữu Hoạt cho biết, bán lẻ nhà sách đang góp hơn 90% doanh thu cho PNC, tăng trưởng bình 30%/năm. Mảng này cho biên lợi nhuận gộp trung bình hơn 30%/năm nên chiến lược hiện tại và sắp tới của PNC là tập trung vào phát triển chuỗi nhà sách Phương Nam. 
Với quy mô 52 nhà sách trên cả nước, chuỗi nhà sách Phương Nam chỉ đứng sau Fahasa (khoảng 100 nhà sách). PNC thừa nhận, thời gian qua, tốc độ mở nhà sách là khá nhanh và cần cơ cấu lại. Vì thế, PNC sẽ xem xét để tinh gọn lại số lượng nhà sách, trên cơ sở tính toán hiệu quả kinh doanh, vị thế và tầm nhìn dài hạn.  

Khi PNC khong con CGV
 

Hoạt động nhà sách của PNC sẽ đi về kinh doanh bán lẻ nhiều mặt hàng, từ sách, văn phòng phẩm, đồ chơi và cả cà phê sách. Năm 2017, doanh thu từ mảng hàng hóa tổng hợp chiếm hơn 53%. Còn doanh thu từ bán sách thấp hơn, chiếm 38% tổng doanh thu. Các mảng này đều ghi nhận doanh thu tăng trưởng so với cùng kỳ. PNC vẫn duy trì mảng phim, băng đĩa... nhưng đóng góp không còn đáng kể. Theo ông Nguyễn Hữu Hoạt, Công ty giữ các mảng này để duy trì tính đa dạng, còn ưu tiên vẫn là đẩy mạnh chuỗi bán lẻ.

PNC tin rằng từ năm 2018, sau khi đã xử lý xong nợ nần, dự phòng giảm giá hàng tồn kho, các chi phí dở dang treo từ lâu, Công ty sẽ thoát lỗ. PNC đã đặt mục tiêu năm 2018 doanh thu tăng v32%, đạt 800 tỉ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 20 tỉ đồng. 
Tín hiệu khởi sắc hơn là những xung đột kéo dài nhiều năm nay trong nội bộ cơ cấu cổ đông lớn của PNC đã tạm lắng. PNC cho biết các cổ đông đã đạt sự đồng thuận cao. Các thành viên Hội đồng quản trị của PNC, trừ ông Nguyễn Hữu Hoạt, đều là những gương mặt mới, được bầu chọn vào tháng 10 năm ngoái, thay thế dàn lãnh đạo cũ là bà  Phan Thị Lệ, Lê Lam Viên... 

Với nhân sự lãnh đạo mới, cùng những thay đổi, tái cơ cấu và các nút thắt dần được tháo gỡ, PNC tin rằng, giai đoạn khó khăn sẽ sớm qua đi. PNC cũng lên kế hoạch chia cổ tức cho cổ đông.