Khi người Đức bán lẻ trên xứ Việt
Sau mô hình chuỗi cửa hàng chuyên bán hàng Nhật, tại Việt Nam đã xuất hiện mô hình chuỗi cửa hàng bán sản phẩm sản xuất ở Ðức và đang thu hút sự chú ý của người tiêu dùng ở phía Bắc. Ðó là chuỗi siêu thị Ngôi Nhà Ðức do nữ doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Công ty Lộc Hương, sáng lập.
Trong khi các chuỗi cửa hàng tiện lợi thông thường đang cạnh tranh giành khách ở từng ngã đường, chuỗi siêu thị Ngôi Nhà Đức lại chọn một ngách riêng khi kinh doanh 100% hàng hóa nhập khẩu từ Đức. Ðây có thể xem là một “đại dương xanh” do thị trường chưa xuất hiện đối thủ tương đồng, trong khi nhu cầu tiêu thụ hàng Made in Germany vẫn hiện hữu trong một bộ phận không nhỏ người Việt từng sống, học tập và làm việc tại Đức và các nước Đông Âu.
Tại Ngôi Nhà Ðức, có thể dễ dàng tìm thấy những mặt hàng thân thuộc với người Việt từng xa quê như trứng cá muối, búp bê Maruska, lật đật, phô mai dây, vodka... Chuỗi bán lẻ này hiện có 80 chi nhánh, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và các tỉnh thành lân cận. Công ty Lộc Hương, đơn vị quản lý Ngôi Nhà Đức, hiện là đối tác của Ecco, Pelz, Maxima và FIT, những tập đoàn Ðức chuyên phân phối mỹ phẩm và hàng tiêu dùng.
Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Thanh Hương, trung bình doanh thu mỗi chi nhánh Ngôi Nhà Đức là 500 triệu đồng/tháng. Trong năm nay, bà đặt mục tiêu đưa chuỗi bán lẻ này Nam tiến. Tuy nhiên, chắc chắn đây sẽ không phải là một hành trình dễ dàng, giống như câu chuyện từng diễn ra với các hệ thống cửa hàng Nhật.
Còn nhớ, vào năm 2008, các hệ thống cửa hàng đồng giá của Nhật như Daiso, HachiHachi... đã bùng nổ và thu hút đông đảo người tiêu dùng. Nhưng sau một thời gian, sức hấp dẫn của các cửa hàng này đã giảm đi rõ rệt. Nguyên nhân được cho là bởi sản phẩm không đa dạng, lại bị cạnh tranh bởi hệ thống siêu thị và các cửa hàng tiện lợi thông thường. Riêng HachiHachi đã phải thay đổi chiến lược từ cửa hàng đồng giá thành cửa hàng Nhật từ năm 2009.
Quay lại với hệ thống Ngôi Nhà Ðức. Có thể thấy tại thị trường miền Nam, các thương hiệu sản phẩm từ Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan hay Mỹ đã có sẵn thị trường và đang làm mưa làm gió trên kệ hàng tại nhiều siêu thị. Thế nên, việc sản phẩm Made in Germany có thể thu hút người tiêu dùng hay không, sẽ phải chờ vào khả năng tiếp cận của Công ty Lộc Hương.
Bên cạnh đó, công ty này cũng bắt đầu xuất những lô hàng nông sản của Việt Nam sang Đức. Sản phẩm chủ lực là trà táo mèo, do Lộc Hương kết hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam, Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam và Viện máy IMI hợp tác sản xuất. Ðây là một hoạt động nhằm giúp giải quyết việc làm cho các chị em phụ nữ nghèo dân tộc miền núi.
Hoàng Quân