Khi ngân hàng đua nhau lên sàn
Sau sự kiện BIDV niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán năm 2014, đến nay mới có thêm một ngân hàng quyết định đưa cổ phiếu chào sàn. Theo đó, cổ phiếu của Ngân hàng Quốc Tế (VIB) đã chính thức lên sàn UPCoM vào đầu tháng 1 này. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, chỉ có 10 trong tổng số 31 ngân hàng tham gia sàn chứng khoán. Nhưng điều này sẽ thay đổi khi có thêm nhiều ngân hàng khác đang nối bước VIB - cổ phiếu đầu tiên niêm yết vì “sóng thông tư”.
Hai tháng cuối năm 2016 là khoảng thời gian chạy đua của nhiều ngân hàng nhằm đẩy nhanh các thủ tục liên quan đến việc niêm yết trên sàn chứng khoán. Hàng loạt ngân hàng như VPBank, Techcombank, Kienlongbank đều công bố đã được Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam cấp giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán và mã cổ phiếu. Tương tự, OCB hay Maritime Bank cũng vừa chốt danh sách cổ đông để thực hiện đăng ký chứng khoán tập trung.
Các ngân hàng chạy đua lên sàn không phải vì áp lực từ phía cổ đông mà là từ cơ quan quản lý. Theo quy định tại Thông tư 180 năm 2015 của Bộ Tài chính, các công ty đại chúng (không đủ điều kiện niêm yết, bị hủy niêm yết, chưa niêm yết) phải hoàn thành thủ tục đăng ký giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết (UPCoM) trước khi kết thúc năm 2016. Các ngân hàng cũng là công ty đại chúng, vì vậy phải thực hiện theo quy định này.
Thực ra, việc đưa các ngân hàng lên sàn đã được cơ quan quản lý và các chuyên gia kiến nghị thực hiện từ lâu. Trong giai đoạn 2012-2013, khi tình trạng sở hữu chéo ngân hàng còn phổ biến, chuyện đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn là để minh bạch hơn tỉ lệ sở hữu của các cổ đông. Kiến nghị này được hiện thực hóa bằng những bản đề xuất cụ thể từ Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Tuy nhiên, dù có lộ trình cụ thể trong năm 2015, nhưng rõ ràng ý định này vẫn chưa được triển khai.
Ngay cả các ngân hàng cũng nhắc đến chuyện niêm yết đã lâu, nhưng tất cả vẫn chỉ nằm trên bản kế hoạch. Ở Techcombank, chẳng hạn, Hội đồng Quản trị đã đưa ra vấn đề niêm yết cổ phiếu từ năm 2012. Không chỉ riêng Techcombank mà nhiều ngân hàng khác cũng tính chuyện niêm yết trong những năm qua như HDBank, OCB, VPBank hay Nam A Bank.
Vẫn còn nhiều ngân hàng chưa có thông tin cụ thể về việc đăng ký giao dịch cổ phiếu, nhưng có thể thấy một thực tế là hầu như các ngân hàng chỉ có ý định niêm yết trên sàn UPCoM, một thị trường vốn mang tiếng là “dự bị” nếu so với sàn chính thức như HoSE. Cũng có một vài ngân hàng muốn niêm yết trên sàn chính thức vì lý do thanh khoản tốt hơn, như VPBank hay OCB. Dù vậy, khi chưa thực hiện, đó vẫn chỉ là những lời hứa hẹn.
Hội đồng Quản trị Techcombank đã đặt vấn đề niêm yết cổ phiếu từ năm 2012. Ảnh: Sơn Phạm |
Quan sát qua nhiều kỳ đại hội cổ đông vài năm gần đây, có thể thấy các cổ đông, đặc biệt cổ đông nhỏ, mong mỏi ngân hàng mà mình có góp vốn lên sàn. Có lẽ những cổ đông này đã thấm mệt với “cổ phiếu vua” khi cổ tức không còn tương xứng với tên gọi, nhưng điều quan trọng hơn là khả năng thoái vốn rất khó vì cổ phiếu không có thị trường để giao dịch. Lý giải vì sao hoãn niêm yết, hầu hết các ông chủ ngân hàng cho biết là do thị trường không thuận lợi. Ngoài ra, Theo Thông tư 26 ban hành năm 2015 của Ngân hàng Nhà nước, để được niêm yết, các ngân hàng cũng phải hội đủ 9 điều kiện. Trong đó, có một số quy định như tỉ lệ nợ xấu dưới 3%, thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo quy định...
Thực tế cho thấy một số ngân hàng cũng khó lòng đáp ứng các điều kiện này trong giai đoạn trước đây. Điều đó cho thấy ngân hàng muốn niêm yết trong giai đoạn này cũng không phải là chuyện đơn giản. Một trường hợp là Navibank, nay đổi tên thành Ngân hàng Quốc Dân (NCB), cũng đã có kế hoạch hủy niêm yết vì kinh doanh không tốt. Hiện NCB vẫn còn giao dịch, thay tên đổi chủ và đang trong quá trình tái cấu trúc dựa trên cơ sở mà Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.
Xét ở quan điểm minh bạch hóa thông tin, rõ ràng việc các ngân hàng trì hoãn đưa cổ phiếu lên sàn là một tiền lệ không tốt. Một số ngân hàng không công bố thông tin quan trọng về tỉ lệ sở hữu và giao dịch của các cổ đông lớn, cập nhật báo cáo tài chính rất chậm và không đầy đủ nội dung (không ít ngân hàng không công bố thuyết minh báo cáo tài chính). Dù vấn đề đã được đưa ra nhiều năm qua, nhưng cơ quan quản lý vẫn chưa thực sự có giải pháp nào đủ mạnh để buộc các ngân hàng tuân thủ.
Điều này cũng cho thấy một thực tế rằng các ngân hàng không mấy mặn mà với chuyện niêm yết. Vấn đề lại quay về với câu hỏi muôn thuở: lên sàn để được gì trong khi phải tăng cường báo cáo thông tin cho thị trường?
Ở thời kỳ hoàng kim của thị trường chứng khoán, cổ phiếu ngân hàng được coi là “cổ phiếu vua” bởi mức giá cổ phiếu lẫn cổ tức đều cao. Đối với các công ty đại chúng, lên sàn là bước đi quan trọng để gọi thêm vốn và xây dựng danh tiếng, nhưng đôi khi có những sự việc ngoài ý muốn. Trong lịch sử ngành ngân hàng gần đây, đã có ít nhất 2 trường hợp các ngân hàng tư nhân thuộc vào quy mô lớn bị thâu tóm qua lại và sự tranh đấu giữa các nhóm cổ đông của những ngân hàng này ít nhiều có ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng.
Việt Dũng