Khi lãi suất ngoại tệ giảm
Ông Phan Đức Chiến, Giám đốc Công ty TNHH MTV TM-DV Đức Hoàng cho biết, nhu cầu vốn vay ngoại tệ xuất hiện từ tháng 4/2015, đến nay khi nhập siêu tăng trở lại, các DN đã chọn các gói vay ngoại tệ dài hạn hơn để có nguồn vốn nhập khẩu nguyên liệu sản xuất, sau khi xuất khẩu hàng hóa sẽ trả nợ vay cho NH. “Nguồn ngoại tệ ưu đãi được NH phân bổ đồng đều các kỳ hạn đã giúp DN không bỏ lỡ các đơn hàng từ nhà nhập khẩu trong những tháng cuối năm”, ông Chiến nói.
Với mức lãi suất cho vay ngoại tệ thấp hơn 50% so với tiền đồng, đặc biệt tỷ giá VND/USD ổn định, nhu cầu vay ngoại tệ tăng trở lại. Theo đó, các NH đang đưa ra nhiều gói vốn vay ngoại tệ hấp dẫn DN.
Chẳng hạn, HDBank vừa đưa ra gói tín dụng ngoại tệ 10 triệu USD trong chương trình “ưu đãi lãi suất USD điều chỉnh 2 tháng một lần”. Theo đó, DN sử dụng sản phẩm tín dụng chiết khấu bộ chứng từ theo phương thức thư tín dụng (L/C) được vay lãi suất tối thiểu 3%/ năm, DN sử dụng sản phẩm tín dụng chiết khấu bộ chứng từ theo phương thức khác sẽ được vay lãi suất tối thiểu 3,25%/ năm.
Với hạn mức tín dụng được cấp từ Công ty Tài chính quốc tế (IFC), hàng năm VietinBank triển khai nhiều gói vay USD giá rẻ nhằm hỗ trợ DN. Tương tự, Sacombank hiện đang có nhiều gói vay ngoại tệ ưu đãi trị giá 90 triệu USD… Các NHTM khác cũng liên tục giới thiệu đến DN dịch vụ bao thanh toán xuất khẩu với hàng loạt ưu đãi hấp dẫn.
Chia sẻ về gói vốn ngoại tệ ngày càng hút DN, ông Phạm Quốc Thanh, Phó tổng giám đốc khối khách hàng DN HDBank cho biết, phần lớn các NH đã điều chỉnh lãi suất cho vay USD để đáp ứng nhu cầu có thực của các DN. Ngoài ra, việc ổn định tỷ giá đã giúp cho DN yên tâm hơn trong việc vay ngoại tệ để thanh toán.
Cùng quan điểm, ông Phạm Linh, Phó tổng giám đốc VietABank cho biết, đã có thời điểm DN lo rủi ro tỷ giá nên chuyển dần sang vay vốn bằng tiền đồng. Thế nhưng hiện nay tỷ giá ổn định, DN vay USD với lãi suất quanh mức 3% là lựa chọn hợp lý đối với DN xuất nhập khẩu. Ngoài ra một số nguyên phụ liệu thị trường trong nước chưa chủ động được nên DN phải nhập khẩu để sản xuất kinh doanh.
Với mức lãi suất đưa ra thấp, những gói vốn nêu trên thực sự đã thu hút sự quan tâm của nhiều khách hàng. Trước nhu cầu ngoại tệ đang tăng, đại diện của VietinBank khẳng định thêm, trong thời gian tới VietinBank tiếp tục đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ, phối hợp với DN xuất nhập khẩu về tín dụng, thanh toán và các dịch vụ có liên quan thúc đẩy phát triển lĩnh vực xuất khẩu.
Một giám đốc chi nhánh Vietcombank thì cho biết, NH sẽ đáp ứng đủ USD cho DN để giảm bớt áp lực về chi phí đầu vào, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, vực dậy DN.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế phân tích, vốn huy động USD của NH có nhiều kỳ hạn, có kỳ hạn ngắn lãi suất thấp, chưa kể các khoản tiền gửi không kỳ hạn có lãi suất rất thấp, được tài trợ từ các tổ chức quốc tế... Bởi vậy, giá vốn bình quân của một số NH có thể cho phép họ cho vay ngoại tệ với mức lãi suất tối thiểu 3%/năm.
Song theo ông Hiếu điều này cũng chỉ xảy ra ở những NH lớn, còn đối với những NH nhỏ, DN sẽ chịu lãi suất vay USD cao hơn chút đỉnh. Tuy nhiên, mức lãi suất cho vay USD trung bình tại các NH nhìn chung đã được kéo giảm mạnh và hiện ở mức chấp nhận được đối với các DN, đặc biệt với các lĩnh vực ưu tiên.
Mặc dù lãi suất ngoại tệ thấp hơn vay vốn tiền đồng nhưng tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng ngoại tệ của các TCTD không tăng nhiều. Theo NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, tính đến cuối tháng 6/2015 dư nợ cho vay vốn bằng ngoại tệ của các TCTD trên địa bàn giảm 0,56% so với đầu năm. Đặc biệt tỷ trọng cho vay ngoại tệ chỉ chiếm 14,4% so với tổng dư nợ toàn địa bàn, một giới hạn an toàn trong cơ cấu các loại đồng tiền trong tổng dư nợ.
Nguồn Thời báo ngân hàng