Quý Hòa
Khi đồng USD mạnh hơn…
→Vì sao Donald Trump là nguyên nhân khiến đồng USD suy yếu?
→M&A cần thương vụ lớn để vượt mốc 8 tỉ USD
Tất cả các con mắt đang hướng về 1 thứ: đồng USD. Tất cả đều đang hồi hộp dõi theo chính sách nội địa, chính sách đối ngoại cũng như chính sách thương mại của Mỹ và xuyên suốt đó là diễn biến của đồng USD”, Simon Quijano-Evans, chiến lược gia các thị trường mới nổi tại Legal & General Asset Management, nhận xét.
Đó là bởi vì “đồng USD mạnh đã mang đến một quý II đầy sóng gió cho các thị trường mới nổi tính đến thời điểm hiện tại”, Chris Turner, đứng đầu bộ phận chiến lược tiền tệ tại ING, nhận định. Đồng rouble của Nga bị ảnh hưởng nặng nhất, khi giảm tới 9,7% so với đồng USD, đồng peso của Argentina đã giảm 8,2%, lira của Thổ Nhĩ Kỳ giảm 7,8% và peso của Mexico giảm 7,2%. Tất cả những nước bị tác động mạnh nhất đều đang đối mặt với các vấn đề riêng. Nhiều nhà điều hành và công ty Nga đã bị áp lệnh trừng phạt trong tháng 4, trong khi Ngân hàng Trung ương Argentina đã tăng lãi suất thêm 10 điểm phần trăm chỉ trong 1 tuần lễ.
Theo số liệu của Bloomberg, chỉ số các đồng tiền thị trường mới nổi của JPMorgan đã giảm 5,1% kể từ cuối tháng 3. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ quý III/2015. Chỉ số này theo dõi diễn biến của 10 đồng tiền mới nổi lớn so với đồng bạc xanh. Nhưng xét ở diện rộng hơn, ít đồng tiền nào không bị biến động trước đà tăng liên tục của USD. Một số chuyên gia cũng khuyến cáo, các vấn đề có thể lan rộng nếu đà tăng USD vẫn tiếp tục và chúng sẽ không giới hạn ở các thị trường mới nổi.
Hiện tại, các chuyên gia theo dõi Thổ Nhĩ Kỳ thì lo ngại nền kinh tế nước này đang quá nóng và cực kỳ dễ bị tổn thương bởi các cú sốc bên ngoài. Các nhà đầu tư vào thị trường mới nổi từ nhiều năm nay đã hưởng lợi từ chi phí vay mượn thấp tại các thị trường phát triển. Điều đó đã thúc đẩy hoạt động carry trade (việc vay hoặc mua các công cụ tài chính với lãi suất thấp, sau đó dùng nó để mua các công cụ tài chính có lãi suất cao hơn, nhằm hưởng chênh lệch lãi suất) và đẩy tăng nhu cầu đối với các đồng tiền thị trường mới nổi. Nhưng tình hình đã thay đổi: Ngân hàng Bank of America Merrill Lynch, chẳng hạn, tính toán lãi suất đang tăng lên từ mức thấp kỷ lục cách đây 2 năm.
Cục Dự Trữ Liên bang Mỹ (FED) đang đi đầu trên mặt trận thắt chặt tiền tệ khi có 6 lần tăng lãi suất kể từ năm 2015. Dự kiến FED sẽ nâng lãi suất cơ bản 2-3 lần nữa trong năm nay, theo CME Group. Trước mắt dự kiến FED sẽ có 1 đợt tăng lãi suất nữa trong tháng 6 tới.
Thực vậy, có rất nhiều sức ép đang tác động lên USD, đẩy tăng đồng tiền này và càng khiến cho rắc rối toàn cầu thêm trầm trọng với tình trạng thiếu USD. Đó là việc giá dầu tiếp tục đà tăng sau khi Mỹ quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran; rủi ro chính trị tái phát ở Ý làm suy yếu đồng euro; lãi suất ngắn hạn cao hơn và chính sách siết chặt tiền tệ của FED đang làm giảm tính thanh khoản của đồng USD và làm gia tăng sức hút của USD trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Đó còn là cuộc chiến thương mại gia tăng Mỹ - Trung, càng khiến cho tình hình bất ổn càng thêm không chắc chắn. Tất cả đang gây sức ép lên đồng USD.
Chính sự kết hợp giữa đà tăng đồng USD, các điều kiện tài chính Mỹ bị siết chặt và bất ổn chính trị dẫn đến một hệ quả tất yếu: sự suy yếu của các thị trường mới nổi. Điều đó đã tạo ra những vấn đề nghiêm trọng trong ngắn hạn cho các thị trường nằm trong diện bị ảnh hưởng, trong đó có rủi ro xảy ra một cuộc khủng hoảng nếu các thị trường mới nổi không thể trả nợ vay.
Trái phiếu chính phủ các thị trường mới nổi, dựa theo chỉ số EMBI của JPMorgan, đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 2.2016, khi cả thế giới hoảng loạn trước việc phá giá của Trung Quốc. Chỉ số này đã giảm 8,3% kể từ tháng 1. Chỉ số “ngạc nhiên kinh tế” các thị trường mới nổi Citi cũng đã chuyển sang mức âm nhẹ.
Nhưng vấn đề lớn nhất vẫn là những cơn bão xuất phát từ phía Mỹ. Jorge Mariscal, Giám đốc Đầu tư các thị trường mới nổi tại UBS Global Wealth Management, nhận xét: “Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ rất dễ bị tổn thương vì bảng cân đối tài sản của họ bị lệ thuộc quá nhiều vào đồng USD. Bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy tính thanh khoản toàn cầu đang yếu đều gây vấn đề lớn. Hãy quay lại câu nói “để đời” của tỉ phú Warren Buffett: Bạn không thể biết ai đang bơi mà không mặc quần áo cho đến khi thủy triều xuống. Và nay thủy triều đang rút đi và nó cho thấy những nước nào đang tồn tại những vấn đề lớn mà ít ai thấy được lúc tính thanh khoản còn dồi dào”.
Đối với những ai thích rủi ro, đây sẽ là cơ hội để mua vào những tài sản thị trường mới nổi đã được bán tháo trước đó. Colm McDonaugh, đứng đầu bộ phận thu nhập cố định thị trường mới nổi thuộc Insight Investment, cho rằng các cơ hội lớn nhất là nằm ở Trung Đông, châu Mỹ Latinh và châu Á và cũng ở các thị trường nợ bằng đồng nội tệ đang tăng trưởng.
Nhưng cũng lưu ý rằng tình trạng thiếu hụt USD không chỉ tác động đến các thị trường mới nổi. Theo Báo cáo Ổn định tài chính toàn cầu của IMF mới đây, nhiều ngân hàng (không phải là ngân hàng Mỹ) lại đang dựa vào việc tài trợ vốn bằng USD, đặc biệt là tại Nhật. Canada cũng đang phụ thuộc rất nhiều vào việc vay USD. Điều đó có nghĩa, như cách nói của IMF, các ngân hàng có thể “đóng vai trò như bộ khuyếch đại những căng thẳng của thị trường” nếu họ buộc phải bán ra tài sản trong một thị trường đang rối ren.
Mỹ chính là nhân tố chủ yếu có thể thay đổi thực trạng này. Trước mắt, một câu hỏi được đặt ra là liệu cơn bão từ phía Mỹ có tạo ra tình trạng thiếu hụt đồng USD khiến các thị trường khác trên khắp thế giới không thể nào đối phó nổi.