Thứ Hai | 17/08/2015 12:30

Khi doanh nghiệp "sợ" tăng lương

Nếu các doanh nghiệp đều đồng ý tăng lương để đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động, tại sao họ lại không đồng ý với mức tăng 16%?

Cuộc họp của Hội đồng tiền lương mới được tổ chức cách đây vài ngày đã không đạt được kết quả đồng thuận nào giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI, đại diện cho giới chủ) và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (đại diện cho người lao động) về mức tăng lương tối thiểu trong năm 2016. Bất đồng này buộc hai bên sẽ phải cùng ngồi lại với nhau trong một cuộc họp khác được tổ chức vào cuối tháng 8, nhằm tìm ra một mức chung trước khi trình Chính phủ phê duyệt.

Theo đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, lương tối thiểu sẽ tăng thêm từ 350.000 đồng đến 550.000 đồng, tương ứng với các vùng 4 và vùng 1. Có nghĩa là sẽ tăng khoảng 16% so với mức lương tối thiểu hiện tại. Mức đề xuất này dựa trên quan điểm về sự khởi sắc của nền kinh tế vĩ mô trong hai năm trở lại đây, cùng với dự báo về tăng trưởng kinh tế năm 2016 sẽ khá hơn 2015.

Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho rằng mức tăng lương ít nhất phải bằng hoặc nhỉnh hơn mức tăng năm 2015 (15%) mới hợp lý. Ông Chính lý giải rằng đời sống người lao động hiện vẫn rất khó khăn, và mức lương hiện tại không đủ cho chi phí tối thiểu của một người.

Theo tính toán của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, mức lương tối thiểu vùng 1, tức là ở những thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, năm 2015 đang là 3.100.000 đồng. Trong khi đó, mức sống tối thiểu của một người là 3.888.900 đồng.

Ngược lại với quan điểm của Tổng Liên đoàn Lao động, VCCI trong một báo cáo tổng hợp lại ý kiến của các hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước, cho rằng lương tối thiểu chỉ nên tăng ở mức 7%. Cho dù sau đó đại diện cho giới chủ đã chấp thuận đưa mức tăng lương 11%, nhưng vẫn không được phía Tổng Liên đoàn Lao động chấp thuận.

“Việc tăng lương tối thiểu vùng là cần thiết. Đại diện người sử dụng lao động ủng hộ chủ trương trên với mong muốn đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động,” đại diện của VCCI nói trong cuộc họp.

Nếu như các doanh nghiệp đều đồng ý tăng lương để đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động, tại sao các doanh nghiệp lại không đồng ý với mức tăng 16% của đại diện người lao động?

Theo VCCI, đó là vì rất nhiều doanh nghiệp vẫn đang trong tình trạng khó khăn, bất chấp sự khởi sắc và ổn định của kinh tế vĩ mô thời gian qua. Nếu như tăng ở mức 16%, gánh nặng tài chính mà các doanh nghiệp phải thực hiện sẽ khiến họ càng khó khăn hơn.

Trong báo cáo của mình, VCCI đã đưa ra dẫn chứng cho thấy quý I/2015, số doanh nghiệp thành lập mới của cả nước là 19.049, tăng 3,8% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động đã hoạt động lại 5.094 doanh nghiệp, tăng 10,2%. Tuy nhiên, số tạm ngừng hoạt động là 16.175 doanh nghiệp, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tại báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2014 của VCCI. Số lượng lao động trong khu vực doanh nghiệp tăng gấp hơn 1,6 lần, từ 7,2 lên 11,8 triệu người. Tuy nhiên, nếu tỉ lệ tăng trưởng lao động trong giai đoạn 2007-2011 là 11,8%/năm thì đến giai đoạn từ 2012-2014, tỉ lệ này giảm xuống chỉ còn 2,8%/năm.

Các con số trên phản ánh lượng việc làm mới trong 3 năm gần đây giảm đáng kể. Nhu cầu tìm việc có thể tăng, trong khi nhu cầu tuyển dụng giảm do số lượng doanh nghiệp giải thể lớn.

Một lý do nữa là hiện tại, ngành sản xuất của Việt Nam vẫn dựa nhiều vào các ngành thâm dụng lao động như dệt may, giày dép và gia công đồ điện tử.

“Chi phí nhân công tăng sẽ ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm. Mà thông thường giá bán sản phẩm đã được thương lượng trước thời điểm điều chỉnh mức lương tối thiểu, dẫn đến sự khó khăn trong kinh doanh gia tăng”, bản báo cáo của VCCI viết. VCCI cũng nhấn mạnh rằng chi phí lao động tăng cao sẽ khiến Việt Nam mất lợi thế về nhân công so với các quốc gia như Campuchia và Bangladesh.

Nhưng điều mà các doanh nghiệp lo ngại nhất không chỉ là phải chi trả thêm tiền lương, mà còn phải trả thêm những khoản chi phí khác như mức đóng bảo hiểm xã hội tăng, bảo hiểm y tế tăng và mức công đoàn phí cũng tăng theo.

Theo quy định, từ năm 2016, người sử dụng lao động phải đóng các khoản chi phí cho người lao động tăng thêm 35-40% so với năm 2015. Vì từ ngày 1.1.2016, mức lương làm căn cứ đóng các chế độ bảo hiểm và kinh phí công đoàn cho người lao động sẽ bao gồm tiền lương và các khoản phụ cấp.  Do đó, VCCI cho rằng với mức tăng lương tối thiểu vùng thêm 10%, thực tế chủ lao động đã phải trả lương và đóng các khoản bảo hiểm, kinh phí công đoàn cho người lao động tăng lên từ 17-18%.

“Để có thể cải thiện đời sống cho người lao động thì yếu tố quyết định dựa vào việc tăng năng suất lao động như nâng cao tay nghề, ý thức và tác phong công nghiệp của người lao động, cải tiến máy móc thiết bị công nghệ và khả năng tận dụng các cơ hội kinh doanh khi tham gia các hiệp định thương mại,” bản báo cáo của VCCI nhận xét.

Một thực tế không thể phủ nhận là hiện nay năng suất lao động của các doanh nghiệp Việt Nam còn thấp hơn so với các nước trong khu vực.  Theo cáo cáo của Viện Năng suất Việt Nam, năng suất lao động của toàn xã hội năm 2014 ước đạt 74,3 triệu đồng trên một lao động. Và từ năm 2005 đến nay, năng suất lao động hàng năm đều tăng với tỉ lệ bình quân khoảng 3% một năm. Nhìn chung, năng suất lao động có xu hướng tăng dần một cách ổn định. Tuy nhiên so với các nước trong khu vực thì năng suất lao động của Việt Nam vẫn thấp hơn.

Ngọc Linh