Khi dầu khí ngoại chùn chân
Chevron, một tập đoàn dầu khí đa quốc gia của Mỹ, vừa chuyển giao hoàn toàn cổ phần và quyền điều hành trong 3 công ty liên doanh dầu khí tại Việt Nam cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Đó là liên doanh thăm dò khí Chevron Việt Nam (Block B), liên doanh Chevron Việt Nam (Block 52) và liên doanh Chevron Southwest Vietnam Pipeline (tham gia xây dựng đường ống dẫn khí tự nhiên được khai khác từ các dự án đó tới các địa điểm tiêu thụ ở khu vực phía Nam, như các nhà máy nhiệt điện và sản xuất phân bón).
Tỉ lệ phân chia lợi ích của Chevron trong các liên doanh này lần lượt là 42,38%, 43,4% và 28,7%. Đây đều là các dự án mà Chevron theo đuổi từ năm 2009 và đã thực hiện các bước khảo sát ban đầu mang lại kết quả khá tích cực tại bể Malay ở miền Nam Việt Nam.
Giá trị đầu tư của các dự án trên không hề nhỏ. Chỉ riêng dự án xây dựng đường ống dẫn khí đã có vốn đầu tư lên tới 1 tỉ USD. Do đó, việc Chevron thoái vốn có lẽ sẽ khiến PVN chịu áp lực lớn trong việc tìm kiếm các đối tác mới có đủ năng lực tham gia.
Bên cạnh Chevron, một tập đoàn dầu khí của Ấn Độ là ONGC Videsh (OVL) mới đây cũng được nhật báo nước này là The Financial Express loan tin đang xem xét việc chấm dứt thăm dò hai lô dầu khí ở nước ngoài, trong đó có lô 128 ngoài khơi của Phan Thiết. Lý do được giải thích là dự án này không còn đảm bảo tính khả khi về mặt kinh tế, dù OVL đã triển khai thăm dò tại đây từ năm 2006.
Giá dầu khí liên tục sụt giảm trong những năm vừa qua (và chưa biết khi nào sẽ tăng trở lại) đang buộc nhiều tập đoàn dầu khí phải tái cơ cấu hoạt động. Chỉ tính riêng ở Mỹ, theo công ty nghiên cứu Baker Hughes, từ tháng 10 năm ngoái đến nay số lượng giàn khoan đã giảm tới 60% và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong ngắn hạn.
Trả lời câu hỏi về lý do rút khỏi Việt Nam của NCĐT, đại diện truyền thông của Tập đoàn Chevron, ông Brad Haynes nói rằng định kỳ Chevron luôn xem xét lại các tài sản để đảm bảo chúng có khả năng cạnh tranh với các cơ hội khác trên toàn cầu. Ông cũng cho biết nguy cơ xung đột lãnh hải trên biển Đông hiện nay không ảnh hưởng đến quyết định này của Tập đoàn, vì vị trí của Block B nằm hoàn toàn trong quyền sở hữu của Việt Nam.
Giá trị thoái vốn của Chevron không được công bố nhưng ước tính xấp xỉ 200 triệu USD, theo thông tin do ông Đỗ Văn Hậu, nguyên Tổng Giám đốc PVN, tiết lộ trước đó.
Thực ra, theo hãng nghiên cứu thị trường Business Monitor International (BMI), Chevron thoái lui còn có nguyên nhân khác. Dự án này dự kiến sẽ cho ra thành phẩm đầu tiên vào năm 2014 với công suất tiềm năng có thể lên đến 5,1 tỉ m3 khí mỗi năm. Tuy vậy, tiến độ xây dựng đã phải hoãn lại vì Chevron không thể đàm phán thành công giá bán khí với PVN. Chevron mong muốn mức giá sẽ là 10 USD/BTU, trong khi PVN chỉ muốn ở mức 6-8 USD/ BTU. Điều này tất nhiên ảnh hưởng đến suất sinh lợi của dự án và việc thoái lui của Chevron cũng là điều dễ hiểu.
Động thái của Chevron được cho là có thể góp phần ảnh hưởng tiêu cực đến năng lực sản xuất dầu và khí của Việt Nam trong dài hạn, khi các dự án khai thác mới không đủ bù đắp sự suy giảm của các dự án đang được khai thác, điển hình là mỏ Bạch Hổ. Nếu xét trên khía cạnh dầu thô, theo BMI, năng lực sản xuất dầu mỏ của Việt Nam dự kiến sẽ đạt đỉnh vào năm 2018 và từ từ suy giảm sau đó.
Riêng với khí, mặc dù đã xuất hiện một số nhà đầu tư tiềm năng mụốn thế chỗ của Chevron như Gazprom (Nga) hay Talisman Energy (một công ty Canada vừa được tập đoàn năng lượng Tây Ban Nha Repsol mua lại), nhưng các nhà phân tích e ngại rào cản về giá khí sẽ hạn chế khả năng tham gia của họ. Nếu điều này xảy ra, kể từ năm 2017 nhu cầu tiêu thụ khí sẽ vượt qua sản lượng sản xuất; và Việt Nam sẽ phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, đặc biệt khi Việt Nam đang chuẩn bị triển khai một số dự án lọc dầu có quy mô rất lớn như Vũng Rô (Phú Yên) hay tại Nhơn Hội (Bình Định).
Bên cạnh đó, những tranh cãi liên quan đến lãnh hải trên biển Đông cũng khiến một số nhà đầu tư e dè. Trước đó vào năm 2007, chính Chevron đã chấm dứt một dự án thăm dò dầu khí ở ngoài khơi Việt Nam nằm trong khu vực tranh chấp lãnh hải giữa Việt Nam với Trung Quốc sau khi nhận được thông điệp cảnh báo của Bắc Kinh.
Rõ ràng, năm nay là năm đầy thách thức cho PVN và các công ty trong ngành dầu khí Việt Nam. Bên cạnh nguồn thu sụt giảm mạnh, PVN đang cân nhắc thu hẹp các khoản đầu tư ở nước ngoài. Điển hình là sẽ bán toàn bộ 40% cổ phần trong một liên doanh dầu khí ở Venezuela, theo Reuters đưa tin.
Cũng xuất hiện một số đánh giá lạc quan hơn sau khi Chevron rút vốn. Theo phân tích của Công ty Chứng khoán SSI, sau khi hoàn tất việc nhận vốn của Chevron, PVN đã có quyền quyết định giá bán khí tại Block B này cũng như có thể đẩy nhanh hơn tốc độ triển khai dự án. Đây là thông tin có tác động tích cực đến ngành dầu khí trong những năm tới, vì dự án này sẽ kéo theo nhiều cơ hội cho các công ty trong ngành.
Theo Công ty Chứng khoán SSI, Tổng Công ty Khí Việt Nam (GAS) có thể sẽ tăng sản lượng lên thêm 4 tỉ m3 khí mỗi năm, tương đương 40% sản lượng hiện tại, một khi dự án Block B chính thức đi vào hoạt động. Thế nhưng, sẽ mất khoảng 2-3 năm để hoàn thành đường ống và dự án chỉ có thể cho ra những dòng khí đầu tiên vào năm 2018.
Không chỉ GAS, ban lãnh đạo của Công ty Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí cũng kỳ vọng sẽ tham gia dự án này vào năm 2017 với 1 dàn khoan nâng mới và 1 xà lan khoan. Theo dự kiến, dự án có đến 1.000 giếng dầu phải khoan.
Tuy vậy, SSI cũng cảnh báo, mọi đánh giá lạc quan vào thời điểm này đều phải cẩn trọng trước những diễn biến phức tạp của thị trường dầu mỏ thế giới.
Về phần mình, liệu Chevron có tiếp tục xem Việt Nam là thị trường trọng điểm? “Chúng tôi sẽ tiếp tục đánh giá các cơ hội tại Việt Nam cũng như tổng thể khu vực. Hiện các sản phẩm nhớt Chevron sẽ tiếp tục kinh doanh ở Việt Nam”, phát ngôn viên Brad Haynes của Chevron cho biết.
Sơn Thanh