Khi chuỗi nhà hàng đứng trước ngã ba nhượng quyền
Kinh doanh ẩm thực đang tạo ra sức nóng tại Việt Nam, ở cả mô hình nhượng quyền thương mại lẫn tự đầu tư mở rộng chuỗi. Ðặc biệt, ngành kinh doanh này cũng đang thu hút rất nhiều nhà đầu tư và thương hiệu nước ngoài tìm đến Việt Nam.
Tấp nập nhượng quyền
Sau 10 năm có mặt tại Việt Nam, chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh nổi tiếng đến từ Philippines Jollibee vừa công bố tìm kiếm đối tác nhượng quyền cá nhân tại Việt Nam. Tuy nhiên, đại diện Jollibee cho biết trong số 120 hồ sơ đăng ký, họ mới chỉ tìm thấy 1 hồ sơ phù hợp. Mức chi phí để nhượng quyền một cửa hàng Jollibee tại Việt Nam là từ 4,5-5 tỉ đồng.
Mức chi phí nhượng quyền Jollibee đưa ra không phải là quá lớn. Tuy nhiên, ở thị trường thức ăn nhanh, KFC và Lotteria mới là 2 thương hiệu hiện chiếm thị phần lớn nhất. McDonald’s dù chỉ mới vào thị trường gần đây nhưng cũng đã chiếm vị trí thứ 3. Còn Jollibee vẫn chỉ đứng thứ 5 trên thị trường, dù đã mở tới 70 nhà hàng tại Việt Nam. Liệu những cửa hàng nhượng quyền mới của Jollibee có thể cạnh tranh với những cái tên kể trên?
Ngoài Jollibee, chuỗi cà phê lớn nhất Hàn Quốc là Caffé Bene cũng bắt đầu tìm kiếm nhà nhượng quyền thứ cấp, chỉ 1 năm sau khi vào Việt Nam. Hiện Caffé Bene có gần 1.000 cửa hàng trên toàn cầu và 70% trong đó là cửa hàng nhượng quyền.
Giá trị các thương vụ nhượng quyền trên thế giới năm 2014 |
Don Chicken, chuỗi thức ăn nhanh từ xứ kim chi, dù vừa mở nhà hàng đầu tiên tại Việt Nam chưa được bao lâu nhưng đã tìm đối tác nhượng quyền. Nhiều thương hiệu thức ăn nhanh, đồ uống, mỹ phẩm... của Hàn Quốc cũng đang tích cực tìm đối tác nhượng quyền tại Việt Nam như Coffee Bay, Namwa, Yadllie Chicken hay Coreana. Hầu hết những thương hiệu này đều đã nhượng quyền tại Trung Quốc, Nhật, Hồng Kông và Philippines.
Theo bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Công ty Bán lẻ & Nhượng quyền châu Á, hiện có khoảng 40 thương hiệu nước ngoài đang tìm đối tác để nhượng quyền khai thác độc quyền tại Việt Nam. Trong số này, phần lớn là những thương hiệu trong ngành ẩm thực, đào tạo, phòng tập thể thao, giáo dục và cung cấp dịch vụ mới... Một số cái tên đáng chú ý có thể kể đến như Tony Roma’s, Second Cup, Steak ‘n Shake, Kenny Roger Roasters, Archipelago International hay Jan-Pro, chuyên cung cấp dịch vụ vệ sinh công nghiệp với 10.000 chi nhánh nhượng quyền trên thế giới.
Phần lớn thương hiệu ẩm thực thế giới đang chọn cách mở rộng thông qua mô hình nhượng quyền, hơn là tự mở nhà hàng. Chẳng hạn như Domino’s Pizza chỉ có khoảng 4% cửa hàng tự mở (96% còn lại là nhượng quyền), Burger King chưa tới 1%, hay McDonald’s khoảng 19%.
Tuy nhiên, nhượng quyền tại Việt Nam cho đến thời điểm này vẫn chưa có nhiều thương hiệu thành công. Theo bà Vân, nguyên nhân một phần là do người nhận nhượng quyền tại Việt Nam chưa thực sự tâm huyết. Ngoài ra, chi phí mặt bằng tại Việt Nam còn quá cao mà sức chịu đựng của người nhận nhượng quyền có giới hạn. “Chẳng hạn, một thương hiệu mới phải mở 10 cửa hàng trở lên và mất 5-7 năm thua lỗ thì mới bắt đầu có lãi”, bà Vân giải thích.
Gloria Jean’s Coffee hay The Coffee Bean & Tea Leaf là những ví dụ điển hình, khi đã phải thu hẹp hệ thống cửa hàng sau khi vào Việt Nam một thời gian.
Đua nhau gọi vốn
Trong lúc mô hình nhượng quyền đang sôi động thì từ năm ngoái, các thương hiệu ẩm thực trong nước đã tìm thấy hướng đi riêng qua việc nhận đầu tư từ nước ngoài để mở rộng hệ thống. Ví dụ như Golden Gate hay Huy Việt Nam. Gần đây nhất, thương hiệu The Kafe cũng gọi thành công 5,5 triệu USD vốn mới.
Còn nhớ, sau khi Mekong Capital thoái vốn thì Standard Chatered lập tức nhận lại phần góp vốn vào Golden Gate với giá trị 35 triệu USD. Mức lãi mà Mekong Capital nhận được trong thương vụ này bằng 9,1 lần so với số vốn đầu tư ban đầu. Chính vì thế, Standard Chatered cũng hy vọng sẽ hưởng lợi từ khoản đầu tư vào Golden Gate.
Ở khía cạnh người nhận đầu tư, Golden Gate cũng gặp nhiều thuận lợi nhờ được rót vốn. Từ mức doanh thu hơn 500 tỉ đồng vào năm 2013, thương hiệu ẩm thực này đã đạt đến doanh số lên tới 1.250 tỉ đồng trong năm ngoái. Ngay sau khi có quỹ mới tham gia rót vốn, Golden Gate cũng nhanh chóng tăng quy mô hệ thống từ 90 lên 130 nhà hàng vào năm 2015. Ðến năm 2018, con số này dự kiến sẽ tăng lên 400.
Cùng lúc đó, tỉ phú Mỹ Mark Mobius, Chủ tịch Templeton Emerging Markets và là người được mệnh danh “Vua cổ phiếu thị trường mới nổi”, đã đến TP.HCM vào tháng 10 vừa qua và công bố đầu tư vào chuỗi nhà hàng Món Huế. Ông cũng tuyên bố sẽ đầu tư khoảng 65.000 tỉ đồng (3 tỉ USD) vào Việt Nam trong kế hoạch 5 năm tới, phân bổ vào các lĩnh vực chuỗi nhà hàng thực phẩm, dịch vụ, du lịch, logistics...
Trước đó, tháng 4.2015, Quỹ Templeton Strategic Emerging Markets Fund IV đã công bố khoản đầu tư 15 triệu USD vào Huy Việt Nam. Đây là tập đoàn đang sở hữu chuỗi nhà hàng Món Huế, Phở Ông Hùng và Cơm Express. Chỉ sau nửa năm nhận vốn đầu tư, Huy Việt Nam đã mở rộng quy mô từ 70 lên 100 nhà hàng. Thương hiệu ẩm thực này từng thành công ở Trung Quốc với chuỗi nhà hàng Huy Long Viên. Những quỹ đầu tư đã rót tiền vào Huy Việt Nam như Welkin hay AIF đều đến từ Hồng Kông.
Thanh Hương