Khi bầu Đức đầu tư vào bò
Kế hoạch nuôi bò của Bầu Đức xuất phát từ lời tư vấn, gợi ý của các nhà đầu tư, chuyên gia nước ngoài khi đến thăm dự án của tập đoàn này. Theo các chuyên gia, thức ăn cho trâu bò chiếm tới 70% chi phí vốn trong khi HAGL luôn có sẵn nguồn bã cọ dầu, mật rỉ từ nhà máy đường (chưa kể hàng trăm nghìn tấn hạt bắp, thân bắp phụ phẩm). Việc trồng cỏ phục vụ cho chăn nuôi cũng không là vấn đề bởi các khu đất của HAGL đều gần các dòng sông, tưới tiêu thuận lợi.
Theo kế hoạch, HAGL sẽ nuôi khoảng 100.000 con bò. Trong đó 50% bò thịt và 50% sẽ là bò sữa. “Vòng quay vốn của bò thịt là khoảng 15 tháng, bò sữa thì thu tiền hằng ngày. Mỗi năm Vissan nhập gần 100.000 con bò từ Úc. Nếu chúng tôi cung cấp cho họ con nào thì họ sẽ bớt từ Úc con đó. Trong khi đó bò sữa thì có Nutifood đảm nhận đầu ra. Tháng tới chúng tôi sẽ tổ chức ký hợp đồng 3 bên về việc này”, ông Nguyễn Văn Sự, Tổng Giám đốc Tập đoàn HAGL chia sẻ với báo giới. Không biết kế hoạch này của HAGL sẽ thành công đến đâu do còn phụ thuộc vào công tác triển khai, nhưng đây hẳn là một định hướng đúng bởi nhu cầu thị trường là có thật.
Năm 2013, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Việt Nam nhập 162.989 con bò sống (tương đương khoảng 92.400 tấn thịt xẻ) từ nước ngoài về với tổng giá trị là 86,83 triệu USD, chủ yếu là từ Thái Lan và New Zealand. Tháng 2 vừa qua, lần đầu tiên Việt Nam nhập khẩu 600 con trâu sống từ Úc về theo đường chính ngạch để giết thịt. Dự báo trong cả năm 2014 Việt Nam có thể nhập khẩu lên đến hoặc hơn 150.000 con gia súc từ Úc. Chưa kể, đến năm 2015, theo cam kết AFTA, thuế nhập khẩu thịt gia cầm sẽ về mức 0%; năm 2018 sẽ áp dụng đối với thịt bò, thịt heo thì lượng thực phẩm từ các nước ASEAN đổ vào sẽ còn lớn hơn bởi giá thành thấp hơn Việt Nam.
Chưa mặn mà vì thiếu vốn?
Không bàn đến bò sữa đã được không ít đại gia nhảy vào đầu tư, con bò thịt gần như đang bị lép vế so với các con gia súc, gia cầm khác bởi trước tuyên bố trên của Bầu Đức, hầu như chưa doanh nghiệp nào ngó tới lĩnh vực này, có chăng chỉ là chăn nuôi nhỏ lẻ. Nhìn lại, có thể thấy các nhà đầu tư đã xem việc chăn nuôi trâu bò thịt là không dễ ăn chút nào.
Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Bắc, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, lĩnh vực chăn nuôi này đòi hỏi nguồn vốn lớn, trong khi thời gian quay vòng vốn lâu, người chăn nuôi phải trường vốn mới có thể đầu tư. Một nguyên nhân quan trọng khác là thức ăn chăn nuôi chiếm tới 70% chi phí vốn là bài toán đau đầu với các nhà đầu tư trong bối cảnh quỹ đất cho đồng cỏ ngày càng bị thu hẹp. Đây cũng là lí do mà Bộ Nông nghiệp đã ra chính sách chuyển đổi một số vùng trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại thức ăn cho gia súc như cỏ và bắp.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho rằng, nếu tính toán một cách sòng phẳng thì việc chăn nuôi trâu bò trong nước rất khó có lời. Tuy nhiên, do lĩnh vực chăn nuôi này vẫn chủ yếu mang tính nhỏ lẻ, nông hộ, người chăn nuôi bỏ công làm lời nên rất khó tính toán lời lỗ.
Theo ông Công, để chăn nuôi trâu bò đạt hiệu quả kinh tế cao cần 2 yếu tố chủ chốt là giống và thức ăn. Tuy nhiên, giống bò Việt Nam có tốc độ tăng trưởng chậm, sản lượng thịt ít và chất lượng thịt không cao. Cùng với đó, diện tích đồng cỏ không ngừng bị thu hẹp, ảnh hưởng lớn tới việc chăn nuôi trâu bò thịt với quy mô lớn. Tính đến năm 2013, tổng số trâu bò trên cả nước là 7,72 triệu con, giảm 14% so với năm 2010, trong đó trâu bò thịt là 7,53 triệu con, giảm 15% so với năm 2010. Cũng theo ông Công, việc đáp ứng 2 yếu tố giống và thức ăn không phải là điều dễ làm. Theo ông Công, nếu muốn đẩy mạnh chăn nuôi trâu bò thì phải nhập giống từ nước ngoài về để có sản lượng và chất lượng thịt cao hơn.
Tiến sĩ Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cũng có ý kiến tương tự. Theo ông Chinh, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn tiếp tục nhập trâu, bò từ Úc về vì giá cả rất cạnh tranh so với sản xuất trong nước. Hiện giá thịt bò hơi nhập về đến Việt Nam chỉ có 2,2-2,4 USD/kg, rẻ hơn nhiều so với mức 65.000 -70.000/kg thịt bò hơi sản xuất ở Việt Nam. Bác sĩ thú y Đặng Hòa An, người có gần 50 năm trong nghề chăn nuôi cũng cho rằng, nhập thịt bò ngoại sẽ lợi hơn bởi bò trong nước chủ yếu là giống bò cóc chỉ cho 12-15% thịt nạc/con, trong khi mức này ở trâu bò ngoại là 30-35%/con.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Văn Bắc của Trung tâm Khuyến nông quốc gia lại dự báo: trong vòng vài năm tới, chăn nuôi trâu bò thịt sẽ phát triển mạnh. Theo ông Bắc, chăn nuôi trâu bò có ưu điểm vượt trội là không trực tiếp cạnh tranh lương thực với con người như chăn nuôi lợn và gia cầm. Thức ăn cho trâu bò là thức ăn thô, xanh, các phế phụ phẩm của nông nghiệp như rơm, thân cây bắp, cây đậu… nhưng lại tạo ra sản phẩm thịt có chất lượng tốt. Đó là một lợi thế cạnh tranh của trâu bò với các loại gia cầm và gia súc khác.
Cũng theo ông Bắc, nếu các nhà đầu tư có được quỹ đất lớn và tổ chức được mạng lưới chăn nuôi – trồng trọt khép kín như Bầu Đức thì ắt sẽ thành công.
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp