Ảnh: Quý Hòa
Khép kín những hệ sinh thái tỉ USD
Kinh doanh theo mô hình hệ sinh thái được chú ý tại Việt Nam với sự mở rộng của Tập đoàn Vingroup. Tập đoàn này đã có thể phục vụ khách hàng trong mô hình “khép kín”: ở Vinhomes, học Vinschool, mua sắm tại Vincom, VinMart, khám bệnh tại Vinmec, du lịch tới Vinpearl, vui chơi trong Vinperland, đi xe VinFast.
Không chỉ Vingroup, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam cũng củng cố năng lực cạnh tranh thông qua việc phát triển hệ sinh thái kinh doanh. Chẳng hạn, PAN Group có các công ty con trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp như Công ty Chế biến Hàng xuất khẩu Long An (LAF), Công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (ABT), Thực phẩm Sao Ta (FMC).
Hay sự kết hợp giữa Vietjet Air, HDBank và công ty con của HDBank trong mảng tài chính tiêu dùng là HD Saison cũng tạo nên một hệ sinh thái nhiều lợi thế. Đáng chú ý, 3 trong số các doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam là Masan Group, Techcombank và Vingroup đã thành lập One Mount Group nhằm dựng lên hệ sinh thái có quy mô lớn nhất cả nước.
Hệ thống trường Vinshool của Vingroup. Ảnh: Quý Hòa |
Hiện nay, có nhiều mô hình hệ sinh thái, chẳng hạn theo chiều ngang, đa sản phẩm, đa nhãn hiệu, đa phân khúc hoặc trên nền tảng cộng sinh. One Mount Group được xem là hệ sinh thái hoàn thiện, kết nối chuỗi cung ứng từ nhà sản xuất tới cửa hàng tạp hóa thông qua ứng dụng Vinshop, mua sắm tiện lợi hằng ngày trên ứng dụng VinID đến nền tảng giao dịch mua bán nhà ở toàn diện (one-stop-shop) sắp ra mắt là OneHousing.
Bà Nguyễn Thị Dịu, Tổng Giám đốc One Mount Group, chia sẻ: “Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng nền tảng hạ tầng công nghệ cho các doanh nghiệp. Từ đó, giúp họ tạo dựng và nâng cao giá trị cho người tiêu dùng với các sản phẩm và dịch vụ có chi phí cạnh tranh hơn”.
Trong khi đó, sự kết hợp 3 bên giúp Vietjet Air, HDBank, HD Saison có thể khai thác cơ sở dữ liệu khách hàng khổng lồ để bán chéo sản phẩm, dịch vụ. HDBank có lợi thế huy động vốn khi quản lý dòng tiền của Vietjet Air. Còn khách hàng của Vietjet Air được hưởng nhiều ưu đãi khi mua vé máy bay qua hệ thống của HDBank. Trong mô hình kinh doanh của Masan, chuỗi giá trị theo chiều dọc và vị thế phát triển đa ngành đã giúp Tập đoàn mở rộng thị phần trong các lĩnh vực kinh doanh, tối ưu hóa dòng tiền và tái đầu tư lợi nhuận vào các lĩnh vực tiềm năng, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào tính chu kỳ thị trường.
Theo McKinsey, các hệ sinh thái kinh doanh tại Việt Nam đang mở rộng quy mô với tốc độ nhanh chóng cùng hàng triệu người dùng gắn bó trên nhiều nền tảng khác nhau. Dự báo đến năm 2025, thị trường Việt Nam sẽ nổi lên 12 hệ sinh thái lớn trong các dịch vụ bán lẻ và doanh nghiệp với tổng doanh thu ước tính khoảng 100 tỉ USD. Trong đó, nền tảng thị trường B2C và B2B sẽ là 2 nhân tố đóng góp doanh thu lớn nhất.
Ông Võ Tấn Long, Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc Kỹ thuật số (CDO), Công ty Tư vấn PwC Việt Nam, cho biết việc xây dựng, tham gia vào hệ sinh thái công nghệ là động lực thay đổi, giúp các doanh nghiệp nhanh chóng nắm bắt được thị trường và đạt được mục tiêu kinh doanh trong nền kinh tế số.
Trong nền kinh tế internet, hệ sinh thái quy mô càng lớn sẽ tạo ra giá trị càng cao, từ đó thu hút càng nhiều người tham gia và tiếp tục tạo ra những giá trị to lớn hơn. Tuy nhiên, theo McKinsey, mặc dù có những tín hiệu tích cực, song hầu hết các hệ sinh thái số tại Việt Nam vẫn còn non trẻ. Chẳng hạn, tổng quy mô giao dịch trên nền tảng số của Việt Nam chỉ bằng 1% của Trung Quốc (50 tỉ USD tại Việt Nam so với 4.900 tỉ USD tại Trung Quốc).
Ông Trần Hải Linh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Sen Đỏ, cho rằng các doanh nghiệp không nhất thiết là chủ sở hữu hay là đơn vị có quy mô lớn nhất trong hệ sinh thái của mình. Quan trọng là xây dựng được một hệ thống để cùng chia sẻ thông tin, chia sẻ khách hàng một cách phù hợp, từ đó cùng nhau tạo ra giá trị và tối đa hóa lợi nhuận.
Theo các chuyên gia của McKinsey, cuộc chơi hệ sinh thái tại Việt Nam sẽ tương đối khốc liệt, đòi hỏi doanh nghiệp cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi tham gia. Thị trường hệ sinh thái có thể sẽ phải chịu sự cạnh tranh mạnh từ các ông lớn công nghệ, đòi hỏi những công ty có tiềm lực yếu phải có hiểu biết sâu sắc về thị trường và thế mạnh riêng so với các đối thủ.