Khảo sát Reuters: Giá dầu bình quân năm 2016 đạt 40 USD/thùng
Giá dầu - đã giảm 45% trong 12 tháng qua - không thể hồi phục đáng kể so với mức 34 USD/thùng hiện nay cho đến nửa cuối năm nay khi sản lượng của các nước sản xuất dầu thô ngoài OPEC dự đoán sẽ giảm.
Theo kết quả khảo sát 30 nhà kinh tế học và nhà phân tích của Reuters, công bố hôm thứ Hai 29/2, giá dầu Brent bình quân dự đoán sẽ đứng ở 40,10 USD/thùng, giảm 2,4 USD so với dự đoán trong khảo sát tháng trước. Giá dầu Brent - bình quân đạt 54 USD/thùng trong năm 2015 - từ đầu năm đến nay trung bình đạt 32,57 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu WTI của Mỹ bình quân đạt 38,90 USD/thùng, giảm 2,1 USD so với dự báo hồi tháng 1/2016. Từ đầu năm đến nay, giá dầu WTI trung bình đạt 31,03 USD/thùng.
Đây là tháng thứ 9 liên tiếp các nhà phân tích trong khảo sát Reuters hạ dự báo giá dầu.
Nga, Arab Saudi, Venezuela và Qatar đã nhất trí đưa ra thỏa thuận đóng băng sản lượng ở mức của tháng 1/2016 nếu các nước khác cũng có hành động tương tự trong một nỗ lực giải quyết tình trạng thừa cung toàn cầu và hỗ trợ giá dầu.
Nhưng Iran đang có kế hoạch tăng sản lượng dầu thô sau khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ hồi tháng 1 vừa qua và cho rằng đề xuất nêu trên là “nực cười”.
Iraq cũng cho biết sẽ tăng sản lượng dầu.
Giới phân tích tỏ ra hoài nghi rằng thỏa thuận đóng băng sản lượng sẽ hỗ trợ thị trường và cho rằng, tuy thỏa thuận đóng băng sản lượng là bước hợp tác đầu tiên giữa các thành viên OPEC và Nga trong 15 năm qua, song rõ ràng thỏa thuận này sẽ không mấy tác dụng nếu không có sự tham gia của Iran và Iraq, ít nhất là trong năm 2016 này.
Giá dầu đã giảm 70% kể từ giữa năm 2014 do cung vượt cầu và OPEC quyết định không giảm sản lượng trong phiên họp cuối năm 2014 - khác với những gì Khối này đã làm trong nhiều thập kỷ qua.
Các nhà phân tích trong khảo sát tin rằng cung-cầu chưa thể cân bằng cho đến cuối năm nay, mặc dù khoảng cách được dự đoán sẽ thu hẹp so với năm 2015.
Hans Van Cleef, nhà kinh tế học năng lượng cao cấp tại ABN AMRO, cho biết, thỏa thuận đóng băng sản lượng là tín hiệu cho thấy các nước sản xuất chủ chốt nhận định giá dầu sẽ không xuống thấp hơn mức hiện nay.
Tăng trưởng nhu cầu dầu thô toàn cầu có thể vẫn yếu ớt trong trung hạn do kinh tế Trung Quốc giảm tốc và tiêu thụ tại các nước OPEC suy yếu.
Nhật Trường
Nguồn Reuters