Khan hiếm CEO
VIB đã trải qua 4 đời CEO trong vòng 2 năm. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2013, NH này thay đến 3 lần. Đầu tiên là bà Dương Thị Mai Hoa từ nhiệm vào tháng 1-2013. Sau đó vào tháng 5-2013, bà Đàm Bích Thủy từ ANZ chuyển sang chính thức ngồi vào chiếc ghế nóng CEO của VIB.
Nhưng chỉ 4 tháng sau đó, bà Thủy cũng từ nhiệm và ông Hàn Ngọc Vũ, đang là Chủ tịch HĐQT, phải trở về vị trí điều hành CEO của VIB. Ở Techcombank, dù không thay đổi nhiều như VIB, nhưng NH này được xem là đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm CEO thay thế. Vị trí CEO được chuyển giao từ ông Nguyễn Đức Vinh sang ông Simon Morris (người Anh).
Theo Navigos Search, nhu cầu tuyển dụng trong quý I-2014 có 5 ngành tuyển dụng nhân sự cấp cao nhiều nhất, bao gồm sản xuất (chiếm 22%); NH, tài chính, bảo hiểm (gần 16%); công nghệ thông tin (7%); kỹ thuật và ngành hàng tiêu dùng (6%). Trong quý II, các ngành như NH, tài chính, bảo hiểm, sản xuất, công nghệ thông tin tiếp tục nhận được nhiều yêu cầu tuyển dụng nhất. Nhưng với nhân sự cấp cao trong lĩnh vực tài chính - NH vẫn được cho là khan hiếm. Vì thế, hầu hết các NHTM đang gặp khó khăn và đều ưu tiên lựa chọn người cũ để điều hành có kinh nghiệm.
Điều đáng nói là VietA Bank chưa kịp ra mắt CEO mới thì đã có quyết định thay thế và người đương nhiệm hiện nay là Phương Thanh Nhung, nhưng cũng chỉ mới nắm quyền điều hành, chưa được bổ nhiệm chính thức vị trí Tổng giám đốc. Một số NH ngoại cũng thay CEO, chẳng hạn như Hong Leong Bank Việt Nam quyết định sử dụng CEO nội đó là ông Lê Minh Tâm (nguyên Chủ tịch, kiêm CEO của CTCK KimEng) đã chính thức trở thành tân Tổng giám đốc NH này kể từ quý II-2014.
Trong khi đó, quá trình tái cấu trúc hệ thống NH, các NHTM đang đặc biệt chú ý đến vấn đề tái cấu trúc nhân sự với nội dung cơ bản là giảm thiểu những nhân viên yếu kém, chất lượng thấp, tuyển dụng và tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao, kèm những ưu đãi về mức lương và một số chế độ chính sách thu hút nhân tài.
Đó cũng là lý do vì sao nhân sự cấp cao trong ngành NH ngày càng đắt giá. Nhận định được đưa ra từ một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính-NH, hiện mức lương của một tổng giám đốc NHTM trong nước phổ biến ở mức từ 200- 300 triệu đồng/tháng.
Tuy vậy, nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn không đủ đáp ứng cho cầu thị trường và khả năng thời gian tới, làn sóng thay đổi CEO lĩnh vực này diễn ra mạnh mẽ khi các vụ sáp nhập, hợp nhất trong ngành lên cao trào ở giai đoạn cuối đề án tái cấu trúc đang được NHNN đẩy mạnh.
Áp lực mới gia tăng
Có thể thấy, việc thay CEO của các NH thời gian gần đây đều có một điểm chung là do tình hình kinh doanh không mấy khả quan, lợi nhuận trước thuế giảm khi nợ xấu tăng, tạo áp lực lớn cho các CEO. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế của VIB năm ngoái chỉ bằng khoảng 11,5% so với năm 2012.
Trên thực tế, việc thay CEO cũng là chuyện bình thường khi kết quả kinh doanh không thỏa mãn được HĐQT. Chính điều này cũng tạo áp lực không nhỏ đối với các CEO ngành NH, kể cả những người đã có nhiều năm kinh nghiệm điều hành ở vị trí trên.
Tân tổng giám đốc một NH cho rằng, làm NH trong thời buổi hiện nay quả thực rất khó khăn và áp lực, cạnh tranh về thị phần tín dụng hiện nay quả là một bài toán đau đầu. Bên cạnh cạnh tranh về phí lãi suất, NH còn phải đảm bảo được chất lượng khoản vay nợ xấu mới có thể hạn chế được.
Vì thế, việc đặt mục tiêu lợi nhuận thận trọng ở năm 2014 cũng được các CEO ngành NH cho là phù hợp trong điều kiện thị trường còn có những khó khăn và thách thức đối với hoạt động tín dụng. Sức mua yếu, tồn kho tăng sẽ kéo theo nợ xấu của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến cho vay. Nợ xấu tăng, kéo theo trích lập dự phòng thì việc xây dựng chỉ tiêu lợi nhuận cũng phải tính toán kỹ.
Nguyên CEO một NH hiện đang nắm quyền điều hành ở vị trí thành viên HĐQT của một NHTM quy mô lớn cũng cho biết, với trải nghiệm trong suốt thời gian qua cũng như hiện tại cho thấy vai trò của một người cố vấn cho HĐQT và ban điều hành là rất nặng, làm sao có những biện pháp cảnh báo mục tiêu để hoạt động điều hành chạy trong các đường lai mà những mô thức quản trị đã được đưa ra. Điều đó cũng có nghĩa là áp lực đối với CEO ngành NH ngày một lớn.
Trước tình hình nợ xấu tăng hiện nay, không phải CEO NH nào cũng đủ can đảm để đảm nhận vị trí cấp cao này. Các CEO NH phải họp cả ngày lẫn đêm để có thể đưa ra quyết định sáng suốt trong quá trình chọn lựa khách hàng trao vốn, hạn chế nợ xấu.
Đánh giá được đưa ra từ một CEO của NH ngoại, nhìn chung hoạt động của NH Việt Nam vẫn phải chịu ảnh hưởng từ nợ xấu, gánh nợ quá hạn và đặc biệt là nợ quá hạn trong lĩnh vực bất động sản và doanh nghiệp nhà nước đang tiếp tục có chiều hướng đi lên.
Tuy nhiên, hướng mua lại nợ xấu của các NHTM mà VAMC đang triển khai được xem là một biện pháp hữu hiệu, nhưng vẫn chưa làm giảm được nợ quá hạn của các NHTM, trước mắt chỉ mới có thể kéo giãn nợ. Điều này ảnh hưởng đến nguồn thu của các NH và trong năm 2014 thách thức càng lớn đối với lợi nhuận của ngành NH.
Nguồn Sài Gòn Đầu tư Tài chính