Khách vay không hào hứng với tin giảm trần lãi suất
Lãnh đạo các DN không kỳ vọng vay được vốn giá rẻ |
“Trong ngành dệt may, chỉ một số ít doanh nghiệp dệt có nhu cầu vay vốn đầu tư nhà máy, nên việc ngân hàng hạ lãi suất có tác động không rộng tới doanh nghiệp ngành này”, ông Hồng nói.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trần Quốc Mạnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sadaco cho rằng, với doanh nghiệp, mức độ hấp thụ vốn rất yếu, dẫn đến việc dòng vốn chỉ xoay quanh trái phiếu chính phủ, góp phần đẩy nợ công tăng lên… Vì vậy, tất cả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp lúc này rất đáng quý.
Giám đốc Công ty TNHH MIFACO, ông Điền Quang Hiệp cho rằng, lạm phát đang ổn định ở mức thấp, nên việc giảm lãi suất huy động, kéo theo giảm lãi suất cho vay là tất yếu. Tuy nhiên, để hỗ trợ doanh nghiệp, lãi suất cho vay phải hạ thấp hơn nữa.
Theo ông Hiệp, cái dở của ngân hàng là mọi khoản vay đều phải có tài sản thế chấp. “Vay thế chấp tưởng như chặt chẽ, nhưng vẫn không an toàn. Bằng chứng là thời gian qua, doanh nghiệp địa ốc ‘chết’, tài sản thế chấp mất giá, nợ xấu tăng mạnh”, ông Hiệp nói.
Thực tế hiện nay cho thấy, việc áp dụng tài sản thế chấp một cách cứng nhắc là rào cản với sự phát triển của doanh nghiệp khi sức cầu yếu, tồn kho tăng. Trong khi đó, ở nước ngoài, nếu doanh nghiệp có phương án kinh doanh tốt, thì thường được ngân hàng hỗ trợ tín chấp.
Mặc dù sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp hiện rất yếu và tín dụng khó tăng, song không phải ngân hàng luôn rộng cửa đối với tất cả các doanh nghiệp, mà chỉ ưu ái vốn rẻ cho những khách hàng thực sự tốt. Vì thế, việc Ngân hàng Nhà nước vừa hạ trần lãi suất huy động, theo lãnh đạo các doanh nghiệp, được xem là một giải pháp đáng quý, nhưng họ không kỳ vọng vay được vốn giá rẻ.
Theo ông Nguyễn Quang Triết, Phó tổng giám đốc Eximbank, tăng trưởng dư nợ tín dụng của Ngân hàng chưa thoát âm do nguồn vốn dành cho doanh nghiệp nhiều, lãi suất chỉ 6-7%/năm, nhưng các doanh nghiệp tốt vẫn chưa muốn giải ngân, vì không biết vay để làm gì. Trong khi đó, với các công ty cần vốn thì mức độ rủi ro khó có thể chấp nhận, nên ngân hàng rất ngại cung ứng vốn.
Về điều này, bà Trương Thị Thúy Nga, Phó tổng giám đốc Vietcombank cho biết, tìm được khách hàng để trao vốn trong lúc này là bài toán hết sức nan giải. Bản thân Vietcombank đã dành cho Vissan khoản tín dụng 100 tỷ đồng, với lãi suất chỉ 6-7%/năm, song Vissan không muốn giải ngân, bởi sức mua yếu, doanh thu khó cải thiện nhiều, nên nhu cầu sử dụng vốn vay rất hạn chế.
Chuyên gia lĩnh vực ngân hàng Huỳnh Bửu Sơn cho rằng, việc ngân hàng thận trọng trong cung ứng vốn cho doanh nghiệp trước tình hình nợ xấu tăng là điều cần thiết. Tuy nhiên, trong lúc này, ngân hàng và doanh nghiệp cần chủ động tìm đến nhau để cùng tháo gỡ khó khăn về nợ xấu, từ đó mới khơi thông được tín dụng.
Nguồn Báo Đầu tư