Khách ứng dụng công nghệ để giảm thiểu tối đa các tiếp xúc không cần thiết. Ảnh: TL.

 
Cẩm Tú Thứ Năm | 16/09/2021 14:00

Khách sạn thông minh mở lối thoát virus

Khách sạn tìm đường số hóa triệt để nhằm thích ứng với môi trường kinh doanh mới.

Cách đây 5 năm, phát triển công nghệ phòng thông minh là cuộc đua của các thương hiệu khách sạn hàng đầu. Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 đã buộc khách sạn từ 3 sao trở xuống cũng phải đón sóng công nghệ nếu muốn tiếp tục phát triển.  

Tại chuỗi khách sạn Sojo Hotels mới ra mắt đầu tháng 6, giải pháp công nghệ TNTech Smart Hotel Solution (T SHS) được ví như “bộ não” của toàn bộ hệ thống. Theo đó, các hoạt động phục vụ du khách từ đặt, nhận và trả phòng, mở cửa, gửi đồ… tại khách sạn đều hoàn toàn tự động. Người dùng nhờ đó hạn chế tối đa tiếp xúc vật lý (nút bấm, công tắc, khóa cửa, rèm…), cũng như tiếp xúc trực tiếp giữa người với người. 

 

Hiện tại, Sojo Hotels vận hành 3 khách sạn tại Nam Định, Thái Bình, Bắc Giang và dự kiến cuối năm nay sẽ đưa vào vận hành thêm 2 khách sạn tại Hà Nội và Hạ Long. Đây được coi là chuỗi khách sạn “không điểm chạm” đầu tiên tại Việt Nam. Toàn bộ nền tảng công nghệ của Sojo là do người Việt phát triển. 

Trước Sojo, nhiều khách sạn đã triển khai các ứng dụng trên điện thoại giúp khách hàng đặt phòng, nhận và trả phòng, khóa, mở hoặc điều khiển nhiệt độ, âm thanh, ánh sáng phòng ngay trên app.

Ngoài ra, nhiều dịch vụ khác như bài tập thiền, dịch vụ đặt món… cũng được đưa vào ứng dụng. Theo giới kinh doanh khách sạn, lợi thế lớn nhất mà công nghệ đem lại là tính bền vững. Điều này chủ yếu liên quan đến khả năng tiết kiệm năng lượng trong phòng, các thiết bị được tự động hóa và kết nối với nhau thông qua Internet vạn vật (IoT).

Chẳng hạn, bóng đèn có thể được thiết lập để tự động tăng hoặc giảm công suất, dựa trên mức độ ánh sáng trong phòng tại thời điểm đó. Tương tự, hệ thống điều hòa có thể được cấu hình để tự động duy trì nhiệt độ nhất định, phù hợp với nhiệt độ của cơ thể khách hàng. Công nghệ cũng được ứng dụng để ghi nhận và phân tích hành vi khách hàng, từ đó giúp khách sạn sáng tạo những trải nghiệm dịch vụ mới.

Ảnh: TL.
Robot được sử dụng tại khách sạn nhằm hạn chế tiếp xúc. Ảnh: TL.

Từ năm 2015, Whitbread PLC, tập đoàn khách sạn lớn của nước Anh, đã triển khai chuỗi khách sạn giá rẻ mang tên Premier Inn 'hub' với mức độ tự động hóa cao. Sau khi thử nghiệm thành công 5 phòng khách sạn thông minh tại London, Whitbread PLC đã đầu tư thêm 6.000 phòng có cùng công nghệ trong vòng 3 năm sau đó.

Một trong những công nghệ ấn tượng nhất trong ngành khách sạn là sử dụng robot để hoàn thành các nhiệm vụ khác nhau do con người thực hiện theo truyền thống. Ví dụ, hệ thống khách sạn FlyZoo của Alibaba đã sử dụng robot để thay nhân viên phục vụ phòng, cung cấp cho khách tất cả thông tin cần thiết, dọn dẹp phòng và tự động hóa các quy trình thông thường đến mức có thể. Giải pháp này có thể là điều cần thiết để giảm thiểu các liên hệ xã hội và làm cho môi trường hiện tại an toàn hơn trong dịch bệnh. 

Xu hướng công nghệ giúp khách sạn cũng có thể ứng dụng rộng rãi trí tuệ nhân tạo hay dữ liệu lớn... để tăng tiện ích phục vụ khách hàng mà không cần phải tiếp xúc, giảm thiểu chi phí hoạt động và tối ưu hóa quy trình kinh doanh một cách hiệu quả.
Khi nói đến công nghệ phòng khách sạn thông minh, điều cần lưu ý là quyền riêng tư của khách hàng.

Như đã nói, miễn là các khách sạn minh bạch và tuân thủ luật bảo vệ dữ liệu, một số thông tin khách hàng được thu thập từ công nghệ phòng thông minh có thể hữu ích. Mặc dù sẽ phải xóa toàn bộ lệnh thoại của khách hàng và dữ liệu khác khỏi các thiết bị như Amazon Echo, một số thông tin nhất định có thể được thu thập, bao gồm cả dữ liệu sử dụng cơ bản. Điều này cho phép khách sạn tìm hiểu các kênh truyền hình hoặc đài phát thanh phổ biến nhất là gì, cho phép đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu về những gì được đặt làm tùy chọn mặc định.

Tại Việt Nam, làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 chưa có dấu hiệu dừng lại đã mang đến rất nhiều thách thức cho  ngành kinh doanh khách sạn. Trong những tháng vừa qua, thị trường đã chứng kiến cảnh ngành du lịch tê liệt, hàng trăm khách sạn lớn nhỏ được rao bán.

Nhận định về xu hướng ngày càng tăng từ các nhà đầu tư nước ngoài thâm nhập vào phân khúc khách sạn của Việt Nam, ông Troy Griffiths, Phó Tổng Giám đốc Savills Việt Nam, đánh giá: “Trước thời điểm xảy ra đại dịch và giữa các đợt sóng COVID-19 tại Việt Nam, bất động sản khách sạn nghỉ dưỡng là loại hình tài sản được giới đầu tư yêu thích. Một trong những chìa khóa thành công của thị trường khách sạn du lịch tại Việt Nam là việc tập trung rất tốt tới nhóm đối tượng khách du lịch trong nước”.

 

Theo ông Troy Griffiths, trong khi có một số giao dịch chủ chốt về mua bán các khách sạn đang được tiến hành, những khách sạn lớn thuộc quyền sở hữu của chủ đầu tư có tiềm lực tài chính vững mạnh, cùng với sự quản lý của các đơn vị quốc tế vẫn duy trì hoạt động kinh doanh ổn định mà không áp dụng phương án giảm giá sâu. Trong những trường hợp này, các nhà đầu tư và nhà điều hành có cơ hội đầu tư dài hạn hơn, có thể vượt qua đại dịch với nguồn vốn ổn định để chờ tới khi khách sạn của họ có thể mở cửa trở lại.

Tuy nhiên, đối với những khách sạn quy mô nhỏ có số lượng tương đối áp đảo tại thị trường Việt Nam, các chủ sở hữu và nhà điều hành phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn lưu động thông qua doanh thu của khách sạn. Chính vì vậy, những khách sạn này đang gặp không ít khó khăn trong giai đoạn đại dịch, từ đó sẽ phải tìm kiếm cho mình lối thoát.

Nhìn về tương lai, ông Troy Griffiths nhận định: “Thị trường bất động sản khách sạn nghỉ dưỡng sẽ phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Các đơn vị vận hành quốc tế tiếp tục giành nhiều sự tập trung cho việc đầu tư vào Việt Nam, bằng chứng là sự đầu tư mạnh mẽ trên khắp đất nước, cùng với đường bờ biển gần như đã được khai thác hoàn toàn.

Có thể kể đến chuỗi khách sạn Wink Hotels vẫn đang duy trì mục tiêu mở thêm 20 khách sạn trong 5 năm tới. Tiềm lực tài chính tốt của nhiều người dân Việt Nam sẽ tiếp tục tạo lực đẩy cho du lịch trong nước, cũng như kỳ vọng về sự tăng trưởng mạnh mẽ từ khách du lịch quốc tế”.

Thách thức ở đây chính là việc doanh nghiệp ngành khách sạn sẽ chuẩn bị như thế nào cho tương lai. Ở đó, mô hình kinh doanh bền vững trên nền tảng công nghệ là lựa chọn mới để nắm bắt cơ hội tăng trưởng ở giai đoạn phục hồi kinh tế.