Sau TP.HCM, nhiều tỉnh thành cũng triển khai chương trình cách ly tại khách sạn. Tuy nhiên, do nhu cầu ít, nhiều nơi đã không thực hiện được.

 
Cẩm Tú Thứ Sáu | 06/08/2021 07:30

Khách sạn 5 sao "3 tại chỗ"

Hiện nay, nhiều khách sạn 2-3 sao phải từ chối khách cách ly là F1 do đã hết công suất phòng.

Nhu cầu thuê phòng khách sạn để cách ly đang tăng nhanh khiến cho số khách sạn tham gia dịch vụ này cũng đông đảo hơn trước, giúp cho bức tranh thị trường lưu trú bớt phần nào ảm đạm. 
 

Đến cuối tháng 10.2020, trên địa bàn TP.HCM mới chỉ có 14 khách sạn được Ủy ban Nhân dân TP.HCM chọn làm nơi cách ly y tế tập trung có thu phí. Đến đầu tháng 7.2021, có 49 khách sạn tham gia vào danh sách khu cách ly tập trung có thu phí, chủ yếu ở quận 1, quận 7, quận Tân Bình, cung ứng hơn 3.200 phòng. 

Riêng trong tháng 7, Sở Du lịch TP.HCM đã vận động được hơn 500 khách sạn đăng ký làm điểm cách ly F1 với mức giá hỗ trợ tối đa. Trong đó, gần 200 khách sạn (tương đương gần 5.500 buồng/phòng) đã có quyết định thành lập khu cách ly tập trung, đủ điều kiện để đưa vào sử dụng. Hơn 300 khách sạn còn lại đang trong quá trình thẩm định. Từ ngày 1.8, người dân có thể tìm kiếm thông tin khách sạn cách ly, loại phòng, giá phòng và đặt phòng tại website của Sở Du lịch TP.HCM hoặc qua ứng dụng Traveloka. 

Hiện nay, thời gian cách ly tại các khách sạn khoảng 21 ngày với chi phí của một khách sạn 3 sao khoảng hơn 35-40 triệu đồng/người. Do thời gian cách ly đã tăng từ 14 ngày lên 21 ngày nên đã có khách sạn rơi vào tình trạng quá tải. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết, các khách sạn sử dụng làm khu cách ly có thu phí phải bảo đảm đáp ứng các yêu cầu về bố trí, sắp xếp các khu vực phục vụ cách ly tại khách sạn; bảo đảm cơ sở vật chất, dịch vụ vệ sinh buồng phòng, ăn uống, giặt ủi, khử khuẩn… phục vụ nhu cầu của người được cách ly; bảo đảm tập huấn toàn bộ nhân viên phục vụ cách ly; phổ biến quy định cách ly y tế tại khu vực tiếp đón và từng phòng nghỉ cách ly...

Theo Savills Việt Nam, với tình hình hoạt động du lịch bị ngưng vì giãn cách, tính riêng tại TP.HCM, đã có 17 dự án khách sạn buộc phải tạm ngưng hoạt động, nguồn cung khách sạn trên địa bàn giảm 11% so với quý I/2021, còn 103 khách sạn đang hoạt động với 13.400 phòng. So với quý II/2020, nguồn cung khách sạn vẫn tăng 7% khi có 28 dự án hoạt động trở lại. Tuy nhiên, một nửa trong số đó được sử dụng làm cơ sở cách ly tập trung có tính phí.

“Nhu cầu cách ly tập trung đến từ nguồn khách nhập cảnh, chuyên gia quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài, quan chức nhà nước, khách trong nước, quan chức và một phần đội ngũ tiếp ứng chống dịch đến từ các tỉnh, thành phố khác nhằm giúp TP.HCM khống chế sự lây lan COVID-19 trong cộng đồng... nhu cầu cách ly tại khách sạn đang gia tăng”, Savills Việt Nam nhận định.

Cụ thể, công suất phòng khách sạn trong quý II/2021 chỉ đạt 18%, tăng nhẹ 1% theo quý, do nguồn cung giảm. So với thời điểm quý II/2020 khi dịch lần đầu bùng phát, công suất quý II/2021 cao hơn 5 điểm phần trăm, với tổng số phòng được thuê tăng 53% theo năm. Công suất tăng xuất phát từ nhu cầu lưu trú dài hạn và tỉ lệ lấp đầy của khách sạn cách ly đạt trên 60%. Từ quý II/2020, giá phòng tăng trung bình 3% theo quý, đạt 69 USD/phòng/đêm. Theo Sở Du lịch TP.HCM, doanh thu du lịch 6 tháng đầu năm 2021 tại TP.HCM đạt hơn 1,5 tỉ USD (hơn 7,1 triệu lượt khách đến thành phố), tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020.

Nhu cầu đặt phòng tại các khách sạn đang gia tăng khi TP.HCM yêu cầu các doanh nghiệp phải đáp ứng quy định về “3 tại chỗ”. Cùng với việc tổ chức ăn, ở tại chỗ cho công nhân ngay công ty, một số doanh nghiệp thuê thêm khách sạn ở khu vực lân cận. Chẳng hạn, Công ty Datalogic gửi 150 công nhân lưu trú tại 5 khách sạn. Công ty Intel bố trí 1.000 công nhân lưu trú tại nhiều khách sạn ở quận 1, 9 và Phú Nhuận, hằng ngày có xe đưa rước. Công ty Jabil Việt Nam tổ chức cho 1.000 công nhân lưu trú tại các khách sạn ở quận 1 và có xe đưa rước. Hay Công ty Sonion Việt Nam bố trí 430 công nhân lưu trú tại các khách sạn.

Đại diện Sở Du lịch TP.HCM cho biết thời gian đầu mới áp dụng cách ly có thu phí tại khách sạn, chỉ có nhóm khách là chuyên gia, nhà quản lý, nhà đầu tư nước ngoài nhập cảnh Việt Nam... mới được đăng ký. Đến nay, do nhu cầu cách ly khi nhập cảnh tăng cao, số lượng khách sạn đăng ký tham gia làm điểm cách ly cũng nhiều hơn nên mọi người từ nước ngoài nhập cảnh về thành phố đều có thể đăng ký cách ly có trả phí tại khách sạn. Bên cạnh đó, nhiều người dân cũng có nhu cầu đặt phòng khách sạn cách ly có trả phí đối với F1.

Hiện nay, nhiều khách sạn 2-3 sao phải từ chối khách cách ly là F1 do đã hết công suất phòng. Trong khi đó, khách sạn 4-5 sao với mức giá cao vẫn có tỉ lệ trống phòng lớn. Dự đoán nhu cầu sẽ tiếp tục tăng, một số khách sạn đang tiếp tục định hướng chuyển sang làm điểm cách ly có trả phí cho người dân, bao gồm cả F1, để có nguồn thu. Một số khách sạn 4-5 sao đưa ra chương trình ưu đãi giá để thu hút thêm nguồn khách này.

Sau TP.HCM, nhiều tỉnh thành cũng triển khai chương trình cách ly tại khách sạn. Tuy nhiên, do nhu cầu ít, nhiều nơi đã không thực hiện được. Mới đây, các doanh nghiệp khách sạn từng có dịch vụ cách ly trả phí ở Huế đã đề nghị  tỉnh cho dừng hoạt động này. Nguyên do là chi phí để duy trì hoạt động cách ly quá cao mà nhu cầu cách ly có trả phí ở Huế lại rất ít. Các khách sạn tham gia đều bị thất thu nặng.

Tại Đà Nẵng, chủ của 2 khách sạn Seven Sea và Parze Ocean - nơi đang tiếp nhận cách ly y tế đối với F1 và người về từ vùng có dịch - cho biết cả 2 khách sạn mở cửa khoảng 2 tháng nay để nhận khách vào cách ly. Tuy nhiên, việc kinh doanh chỉ ở mức hoàn vốn, thậm chí có lúc lỗ bởi vì so với TP.HCM thì giá phòng khách sạn áp dụng cách ly ở Đà Nẵng chỉ bằng 50-70% với cùng hạng phòng. Đà Nẵng hiện có 34 khách sạn với 3.005 phòng và 5.155 giường được quyết định thiết lập là cơ sở cách ly tập trung có khả năng phục vụ. Còn tỉnh Quảng Nam có 15 khách sạn, khu nghỉ dưỡng được cấp phép trở thành khu cách ly tập trung có thu phí.