Anh Đức Thứ Ba | 21/02/2017 12:30

Khách du lịch Trung Quốc: Vết dầu loang rộng

Du khách Trung Quốc chiếm gần 1/3 lượt du khách quốc tế vào Việt Nam trong năm qua.

Du khách Trung Quốc được ví như cơn “sóng thần” khi họ có sức tiêu thụ rất lớn tại các điểm đến nước ngoài, đặt các công ty trong tình trạng thiếu hàng trầm trọng, còn các công ty dịch vụ mệt bở hơi tai...

Theo Văn phòng Du lịch Trung Quốc, trong 5 năm qua, số người Trung Quốc đi du lịch đã tăng gần gấp đôi, lên đến 120 triệu người. Thống kê cho thấy, cứ 10 du khách quốc tế sẽ có 1 người Trung Quốc. Về mức độ chi, theo tổ chức World Travel & Tourism Council, năm 2015, người Trung Quốc đã chi 215 tỉ USD khi đi du lịch, tăng hơn 50% so với năm 2014. Khách du lịch Trung Quốc cũng đã vượt qua Mỹ ở khoản chịu chi.

Tháng 6 năm ngoái, nước Anh đau đầu với các mục tiêu tăng trưởng do lo ngại khi phải rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), thì các khu phố mua sắm hạng sang ở London lại nhộn nhịp chưa từng có. Một lượng lớn khách du lịch Trung Quốc tranh thủ đồng bảng Anh giảm giá đã qua đây mua sắm hàng hiệu, đẩy tỉ lệ mua sắm tại Anh tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức chi tiêu bình quân hơn 1.200 bảng Anh của du khách Trung Quốc cho đến nay vẫn là kỷ lục kinh ngạc với các ông chủ bán lẻ ở Anh.

Sự bùng nổ của du khách Trung Quốc được cho là nhờ vào chính sách khuyến khích người dân đi du lịch của chính phủ nước này thông qua việc xây dựng thêm nhiều sân bay. Nhưng cốt lõi vẫn xuất phát từ việc gia tăng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc. Nếu như trong giai đoạn 2003-2013, chỉ có 21 triệu hộ có thể du lịch nước ngoài (tức kiếm được 35.000 USD/năm), thì từ đây đến năm 2023, con số này có thể tăng gấp 3 lần.

Dù có nhiều phiền phức nhưng rõ ràng khách Trung Quốc luôn là một nguồn thu lớn đối với ngành du lịch nhiều nước. Trước tình hình này, nhiều quốc gia đã lên kế hoạch đón đầu lượng khách đến từ Trung Quốc. Chẳng hạn, du khách Trung Quốc đến Malaysia đã tăng 83% từ tháng 3-12.2016, trong lúc lượng khách đại lục tới Philippines cũng tăng 40% trong 10 tháng đầu năm 2016.

Không ai muốn chịu thiệt trước làn sóng du khách đang tăng mạnh từ Trung Quốc. Chẳng hạn, theo Tổng cục Du lịch Thái Lan, năm 2015 Thái Lan có khoảng 7,9 triệu khách du lịch Trung Quốc. Theo số liệu Bloomberg, số khách Trung Quốc đến Thái Lan đã giảm 16% so với cách đây một năm. Sự sụt giảm của nhóm này đã gây thiệt hại trong ngắn hạn cho ngành công nghiệp du lịch Thái Lan và quốc gia này đang phải điều chỉnh các chính sách để thu hút lại nhóm du khách nhiều tiền từ Trung Quốc.

Ở Việt Nam, lượng khách du lịch Trung Quốc cũng tăng đột biến. Cụ thể, thị trường Trung Quốc đã tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái, đi sau là Hàn Quốc (tăng 39%) và Nga (tăng 28%). Khách Trung Quốc cũng chiếm gần 1/3 lượt du khách quốc tế vào Việt Nam trong năm qua. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2016, khách Trung Quốc đến Việt Nam đạt 2,7 triệu người, gấp đôi con số năm 2012 và gấp rưỡi năm 2015. Gần đây, hàng không cũng liên tục mở các đường bay thẳng từ các tỉnh, thành phố của Trung Quốc tới những địa điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam như Nha Trang, TP.HCM, Phú Quốc... kích thích nhu cầu của du khách Trung Quốc tới Việt Nam.

Khach du lich Trung Quoc: Vet dau loang rong
Năm 2016, khách Trung Quốc đến Việt Nam đạt 2,7 triệu người, gấp rưỡi so với năm 2015. Ảnh: baomoi.com

Mặc dù có hệ lụy nhưng nhiều công ty du lịch của Việt Nam ghi nhận sức mua lớn của khách du lịch Trung Quốc, vấn đề là có những giải pháp thu hút cũng như phương pháp tổ chức, quản lý hợp lý và kịp thời nhóm du khách này. Không thể phủ nhận du khách Trung Quốc đã góp phần thúc đẩy ngành du lịch và kinh tế địa phương. Đà Nẵng và Nha Trang hiện đang là điểm đến yêu thích của nhiều người Trung Quốc. Chính quyền các thành phố này tìm cách đáp ứng nhu cầu của du khách Trung Quốc tốt hơn. Chẳng hạn, Sở Du lịch Đà Nẵng đang đào tạo thêm nhiều hướng dẫn viên tiếng Trung để đáp ứng nhu cầu này.

Theo Công ty Nghiên cứu và tư vấn bất động sản khách sạn và resort Alternaty, đây là yếu tố góp phần kích cầu thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trong thời gian tới. Việt Nam đang trở thành một địa điểm được yêu thích bởi các du khách muốn khám phá hoặc quay trở lại Việt Nam. Nha Trang, Cam Ranh và Phú Quốc sẽ đón một làn sóng nguồn cung lớn trong 2-3 năm tới.

Nhưng trên thực tế, không ít công ty du lịch và cả người dân trong nước không mấy thiện cảm với nhóm khách du lịch đến từ Trung Quốc vì những rắc rối liên quan đến sự mất trật tự, ồn ào và hỗn loạn của họ. Không chỉ Việt Nam, nhiều quốc gia có tiếng về du lịch như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật cũng phải đau đầu ngăn chặn các hành vi xấu của du khách Trung Quốc như mất vệ sinh, mất trật tự nơi công cộng, trộm cắp và rượu chè... Thậm chí từ năm 2013, Tổng cục Du lịch Trung Quốc đã in “Cẩm nang du lịch văn minh” cho người dân để cải thiện hình ảnh với quốc tế.

Theo giám đốc một công ty chuyên cung cấp tour du lịch nước ngoài, nhóm khách Trung Quốc chỉ mua sắm và ăn uống ở những nơi theo hướng dẫn viên du lịch. Họ rất chịu chi và tuân theo quy định nếu được thông báo trước. Vị này cho rằng Việt Nam chưa tạo điều kiện cho du khách Trung Quốc tiêu tiền vì tư duy du lịch thiếu sự đổi mới, không nắm bắt đúng tâm lý mua hàng của nhóm này.  “Các thông tin tiêu cực về khách Trung Quốc phần lớn là do lỗi chúng ta không quản lý nổi. Hãy nhìn Thái Lan mà xem, họ đang điều chỉnh, còn chúng ta thì cứ phản đối nhưng thực chất là mọi việc vẫn đang diễn ra đấy thôi”, vị này nói.

Ông Lý Trường Chiến, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Trí Tri Group, không chỉ riêng khách du lịch Trung Quốc, ngành du lịch Việt Nam không khéo trong việc móc hầu bao của khách du lịch. Đúng là khách du lịch Trung Quốc cũng đem theo nhiều phiền toái nhưng lỗi cũng đến từ các cơ quan quản lý, đơn vị tổ chức khi năng lực tổ chức,quản lý chưa tới. Các địa phương và điểm cung cấp dịch vụ du lịch đều có khuynh hướng ăn xổi ngắn hạn và quản lý chưa chặt chẽ.  “Trước mắt, cũng không nên đầu tư thêm hạ tầng để đón lượng khách này vì có thể gây lãng phí, phá vỡ sinh thái cảnh quan thiên nhiên vừa dễ tạo thêm tiêu cực đặc biệt là đầu tư công và chờ thêm thực tế thị trường để có chiến lược đúng đắn hơn”, ông Chiến nói.

Đồng quan điểm, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng  lượng khách Trung Quốc đông không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước khác và là động lực để kích cầu ngành du lịch trong nước phát triển. Việt Nam không nên đứng ngoài cơ hội này.

Tuy nhiên, các cơ quan chủ quản ở địa phương cần đưa ra các chính sách hướng dẫn về giữ gìn trật tự, văn hóa nơi công cộng. Song song đó, các đơn vị tổ chức du lịch, khách sạn và cả hướng dẫn viên du lịch cũng đưa ra các tiêu chí ứng xử nơi công cộng. Điều quan trọng là các tiêu chí không chỉ dành riêng cho khách Trung Quốc mà cả khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, như vậy mới công bằng. Nếu một số hướng dẫn chỉ nhắm vào du khách Trung Quốc chẳng hạn chỉ viết bằng tiếng Trung Hoa mà không dịch thuật ra tiếng Anh, có thể sẽ tạo ra sự phản cảm từ phía khách du lịch, và dẫn đến tẩy chay của khách Trung Quốc hay không muốn trở lại Việt Nam.

Bên cạnh đó, ông Hiếu ủng hộ quan điểm cần đầu tư hạ tầng giao thông, nâng cấp các khách sạn, phương tiện di chuyển để đón khách du lịch không chỉ Trung Quốc mà còn các quốc gia khác.

“Chúng ta không thể đòi hỏi khách du lịch có ý thức vệ sinh và ứng xử tốt trong khi cung cấp cho họ cơ sở hạ tầng kém, chính khách sạn của chúng ta nhếch nhác, thiếu vệ sinh, và người phục vụ của chúng ta thiếu tư cách, không chuyên nghiệp”, ông Hiếu nói.

Ngoài ra, cũng cần phải đầu tư nâng cấp các vùng lân cận địa điểm du lịch, bao gồm cả hạ tầng và văn hóa kinh doanh. Cho đến nay, các chính sách phát triển du lịch chưa quan tâm nhiều đến tương quan giữa địa điểm du lịch và các địa phương liên quan. Trong khi các nước như Mỹ hay Châu Âu làm rất tốt điều này, khiến khách du lịch muốn khám phá, tìm hiểu đời sống người dân chung quanh, đóng góp trực tiếp vào các ngành dịch vụ quanh đây.

“Có những du khách từ Mỹ than phiền với tôi là họ đến du lịch ở Việt Nam vài tuần, nhưng khi trở lại Mỹ họ chẳng biết thêm gì về văn hóa và đời sống con người của Việt Nam, ngoài một số thông tin họ đã đọc được trong những tài liệu du lịch Việt Nam”, ông Hiếu chia sẻ.

Còn ở Việt Nam, các khu du lịch tại miền quê hay trên bờ biển thường biệt lập với địa phương, khách chỉ quanh quẩn ở khu nghỉ dưỡng, không có cơ hội hoặc không muốn tìm hiểu địa phương vì cơ sở hạ tầng kém, văn hóa kinh doanh chặt chém gây thất thu lớn, và ngay cả các nhà quản lý các khu du lịch đó không muốn du khách có cơ hội tiếp cận  với người dân địa phương.

“Nếu chỉ vì nghỉ dưỡng, hay tắm biển thì đâu cần phải đến Việt Nam. Ngay cả tôi khi đi du lịch sang các nước khác, tôi cũng thường đi vào những thị xã để mua quà mang tính đặc trưng của địa phương đem về cho gia đình bạn bè, thưởng thức những món ăn đặc sản và quan sát đời sống người dân tại những địa phương xa lạ đó. Tôi nghĩ, ngoại trừ những du khách đi theo tour trên những du thuyền hạng sang, còn hầu hết các du khách đường bộ đều có mong muốn tìm hiểu đời sống địa phương nơi họ đến thăm”, ông Hiếu nói. 

Anh Đức