Hiện nay, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp tương đối thấp. Ảnh minh họa: Quý Hòa.
Khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế sẽ phục hồi từ quý III
Ngày 23/5, Ngân hàng Nhà nước đã ra quyết định thay đổi mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND có kỳ hạn từ 1-6 tháng từ mức 5,5%/năm xuống mức 5%/năm và sẽ được áp dụng từ ngày 25/5. Điều này phần nào cũng cho thấy Ngân hàng Nhà nước đang có xu hướng giảm lãi suất để kích thích tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp và nền kinh tế. Đây là lần giảm lãi suất thứ 3 kể từ đầu năm 2023.
Trong bối cảnh nhiều Ngân hàng Trung ương trên thế giới vẫn duy trì việc tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, nhiều người đang đặt câu hỏi tại sao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lại giảm lãi suất điều hành và gần như duy trì chính sách tiền tệ độc lập ở giai đoạn này?.
Theo đánh giá của Tiến sĩ Cấn Văn Lực, hiện nay ngân hàng các nước về cơ bản đã giảm đà tăng lãi suất. Thậm chí, một số Ngân hàng Trung ương đã dừng tăng lãi suất trong bối cảnh lạm phát trên toàn cầu giảm nhiệt tương đối tích cực. Thứ 2, ở trong nước lạm phát của chúng ta đã và đang giảm nhiệt. Đặc biệt, thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào hơn. Và cuối cùng, tỉ giá hiện nay tương đối ổn định. Tuy nhiên, dù lãi suất đã giảm nhưng tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế vẫn ở mức thấp, tính đến hết tháng 4/2023 tăng trưởng tín dụng chỉ đạt khoảng 3%. Liệu rằng lần giảm lãi suất thứ 3 này có cải thiện được khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế hay không?
Theo chia sẻ của Tiến sĩ Cấn Văn Lực: “Sẽ chỉ cải thiện được một phần bởi vì lãi suất cho vay đã và đang giảm và thông thường có độ trễ từ 3-6 tháng so với lãi suất huy động. Tuy nhiên tôi hiểu rằng Chính phủ, các Bộ và Ngân hàng Nhà nước mong muốn rút ngắn độ trễ đó chỉ còn 1-3 tháng. Nhưng quan trọng hơn đó là khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế đang rất yếu, nhiều ngân hàng cũng như tổ chức tín dụng mong muốn cho vay khách hàng tốt, nhưng việc tìm được nhóm khách hàng này cũng tương đối khó. Bởi lẽ đầu ra của doanh nghiệp đang khó khăn, đơn hàng gần như rất ít. Chính vì thế, doanh nghiệp có xu hướng thu hẹp sản xuất, và dẫn đến nhu cầu vay vốn tương đối thấp.
Tuy nhiên tôi nghĩ rằng thị trường đã và đang phục hồi dần dần, và từ quý III trở đi đơn hàng bắt đầu xuất hiện thì khả năng hấp thụ vốn và nhu cầu tín dụng sẽ tăng dần lên”.
Nhận định về tình hình lãi suất, Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho rằng, Việt Nam còn dư địa để tiếp tục giảm lãi suất. Khi lạm phát không phải là nỗi lo vì sức cầu vẫn còn rất yếu. Thêm vào đó, trên thế giới, lạm phát đang giảm nhiệt tương đối tích cực và tỉ giá tương đối ổn định. Ngoài ra, để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân thì bài toán về giảm lãi suất vừa là hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, vừa kích cầu tín dụng, kích thích đầu tư, tiêu dùng. Như vậy, chúng ta mới đảm bảo được phục hồi và tăng trưởng kinh tế tích cực hơn, tất nhiên là phải đồng bộ nhiều cái giải pháp khác. “Tôi cho rằng khả năng giảm có thể ở mức khoảng 0,5-1,5%", Tiến sĩ Cấn Văn Lực nói thêm.
Có thể bạn quan tâm
5 nhóm ngành hưởng lợi khi lãi suất giảm
Nguồn Theo VTV