Kết quả kinh doanh ngân hàng 6 tháng: Chưa thoát được cái bóng nợ xấu
Trong số 11 ngân hàng công bố số liệu cụ thể về nợ xấu, 10 ngân hàng cho biết nợ xấu đã tăng so với cuối năm 2013, chỉ duy nhất ngân hàng Quốc dân (NCB) cho biết nợ xấu đã giảm từ 6% xuống còn 4,8%.
Trong đó, PVcomBank có tỷ lệ nợ xấu cao nhất với 5,2%, thấp nhất là Sacombank với 1,5%. Techcombank, NCB và ngân hàng Đại dương (OceanBank) là các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên 4%.
Thông tư 02, 09 về phân loại và trích lập dự phòng nợ xấu bắt đầu có hiệu lực từ 1/6/2014 đã ngay lập tức có ảnh hưởng tới kết quả hoạt động kinh doanh của các ngân hàng khi việc trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu được đẩy mạnh. Các ngân hàng công bố báo cáo cho đến thời điểm này đều cho biết đã tăng chi phí dự phòng rủi ro, Sacombank, ACB, ABBank hay SHB thậm chí tăng chi phí dự phòng lên vài lần so với cùng kỳ 2013.
Eximbank, NCB, MBBank, OceanBank đều ghi nhận chi phí dự phòng quý II tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước. BIDV là ngân hàng ghi nhận chi phí dự phòng rủi ro lớn nhất trong kỳ với 2.183 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ 2013.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh của các ngân hàng đã công bố đến nay, VietinBank là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất với 597.636 tỷ đồng, xếp thứ hai là BIDV với 579.022 tỷ đồng và thứ ba là Vietcombank với 504.432 tỷ đồng.
Ba ngân hàng có tổng tài sản thấp nhất là TPBank với 30.560 tỷ đồng, NCB với 25.072 tỷ đồng và PGBank với 21.434 tỷ đồng.
Eximbank là ngân hàng duy nhất ghi nhận cả huy động khách hàng và cho vay đều giảm tới 3,7% và 3%. PVcombank ghi nhận tín dụng giảm 8,7%, còn OceanBank có huy động giảm 3,2%.
Tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng 6 tháng đầu năm chỉ ở mức dưới 5%. Thậm chí ngân hàng lớn như VietinBank và BIDV cũng chỉ có mức tăng trưởng tín dụng là 0,45% và 1,63%.
VietinBank cũng là ngân hàng có tăng trưởng tín dụng thấp nhất. Theo lãnh đạo VietinBank, tăng trưởng tín dụng thấp trong quý II là bình thường, diễn ra theo đúng xu hướng năm và tăng trưởng tín dụng sẽ tăng vọt trong quý III và quý IV để đạt được mục tiêu tăng trưởng 12 - 13% đã đề ra.
Tại các ngân hàng Vietcombank, ACB, MBBank, tăng trưởng tín dụng 6 tháng chỉ xấp xỉ 1 nửa tăng trưởng huy động.
Techcombank, TPBank, ABBank là 3 ngân hàng có tăng trưởng tín dụng cao hơn tăng trưởng huy động. Tại TPBank, tăng trưởng tín dụng 6 tháng gấp đôi tăng trưởng huy động.
Các ngân hàng báo lợi nhuận giảm so với cùng kỳ trong quý II là BIDV, MBBank, Eximbank, ACB, OceanBank và NCB. Ngân hàng ACB, BIDV cho biết lợi nhuận quý II giảm so với cùng kỳ chính bởi tự trích lập dự phòng theo quy định của Thông tư 02. Cụ thể, ACB ghi nhận lãi 323,26 tỷ đồng còn BIDV lãi 427,23 tỷ đồng.
Lãi sau thuế lớn nhất là VietinBank với 1.884,4 tỷ đồng, sau đó là MBBank với 1.338 tỷ đồng và Vietcombank với 1.060 tỷ đồng.
PGBank là ngân hàng duy nhất báo lỗ cho tới thời điểm này với khoản lỗ 11,8 tỷ đồng.
Nguồn Theo DVO