asiadragoncordage.com
Kẻ thống trị ngành dây thừng
Chú Dự là một ngư dân có 30 năm kinh nghiệm đánh bắt xa bờ tại một huyện duyên hải miền Trung ở xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Mỗi chuyến đi biển của chú kéo dài hàng tuần và có thể đem lại giá trị từ vài trăm triệu đồng đến cả tỉ đồng. Chính vì vậy mà có những ngư cụ cần được đầu tư loại tốt nhất để đảm bảo chuyến đi an toàn, là lưới, là dây thừng kéo lưới. Trong đó, dây thừng, tuy chỉ chiếm khoảng 5% chi phí của toàn chuyến ra khơi, nhưng là yếu tố có ảnh hưởng lớn đến sự thành công của chuyến đi.
Chú Dự là một trong hàng ngàn ngư dân đang sử dụng dây thừng Con Gà, hoàn toàn hài lòng về độ bền và lực kéo của loại dây thừng này. Chi phí đầu tư lần đầu lớn hơn so với những loại khác, nhưng bù lại chú an tâm về thời hạn sử dụng 3 năm của loại dây này. Nhờ đạt được niềm tin của những người đi biển lành nghề này, mà dây thừng Con Gà đã thống lĩnh thị trường dây thừng nội địa với thị phần 34%, theo Intage Việt Nam, bỏ xa nhãn hiệu đứng thứ 2 là Mùa Cá chỉ nắm giữ 10% thị phần.
Dây thừng Con Gà (Cock), cùng với dây thừng Hải Mã (Sea Horse) là 2 nhãn hiệu dây thừng của Công ty Cổ phần Siam Brothers Việt Nam (mã SBV), hiện đang nắm giữ 36% thị phần dây thừng của Việt Nam. Tuy chỉ tập trung vào thị trường ngách rất nhỏ của ngành ngư cụ, Siam Brothers Việt Nam vẫn có thể tạo ra doanh thu không nhỏ hằng năm, lên đến trên 500 tỉ đồng vào năm 2016, với tỉ lệ lợi nhuận thuần đáng mơ ước 22,4%. Tổng lượng tiêu thụ dây thừng hơn 7.000 tấn, trên tổng số ước tính 20.000 tấn toàn quốc.
Con đường đi đến thống lĩnh 36% thị phần không hề trải hoa hồng. Kể từ khi thành lập vào năm 1995, Siam Brothers Việt Nam đã mất 15 năm để chứng minh chất lượng và giành được vị trí dẫn đầu thị trường từ những năm 2010 với thị phần 18%. Kênh phân phối truyền thống của ngành phụ liệu nuôi trồng - đánh bắt thủy hải sản thường đi từ nhà máy hoặc nhà cung cấp đến nhà phân phối bán sỉ, sau đó đến cửa hàng bán lẻ, rồi cuối cùng đến tay người tiêu dùng. Đó chính là cách để đạt được thị phần 18% mà Công ty đã áp dụng. Tuy nhiên, đó cũng chính là giới hạn của kênh phân phối này.
Siam Brothers Việt Nam đã xây dựng được mạng lưới phân phối mạnh, với 22 nhà phân phối sỉ và gần 600 điểm bán lẻ bao phủ 28 tỉnh giáp biển ở Việt Nam. Trong số này, có khoảng 400 điểm bán lẻ là đại lý phân phối trung thành. Công ty không áp đặt các đại lý chỉ được độc quyền sản phẩm của Siam Brothers Việt Nam, nhưng chính sách chăm sóc đến từng đại lý bán lẻ đã tạo nên các đại lý độc quyền một cách tự nhiên. Ngoài ra, chính sách phân chia khu vực địa lý để tránh cạnh tranh nội bộ là một cách để tạo ra các đại lý trung thành.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng vượt bậc sau đó, với hệ số tăng trưởng kép lên đến 20% hằng năm là nhờ vào chiến lược tái cơ cấu mạnh mẽ về kênh phân phối. Tái cơ cấu đã dẫn đến mở rộng những thị trường chưa từng biết đến trước đây của Siam Brothers Việt Nam bắt đầu bằng việc tấn công qua thị trường bán lẻ. Việc bán lẻ được Công ty định vị là những dự án lớn với lượng tiêu thụ dây thừng khổng lồ. Nhờ định hướng này, Công ty đã ký kết được hàng loạt những hợp đồng phân phối trực tiếp, có thể kể đến Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN), các công ty nuôi trồng thủy sản lớn...
Bảo hành điện tử đang là xu hướng trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay. Khi mua một sản phẩm điện tử gia dụng như TV, tủ lạnh, máy lạnh... khách hàng không cần giữ phiếu bằng giấy, mà sẽ quét mã để kích hoạt hệ thống bảo hành điện tử online. Điều thú vị là Công ty dự định áp dụng cách bảo hành điện tử trên cho những sản phẩm dây thừng. Siam Brothers Việt Nam vốn nổi tiếng với tem bảo hành 3 năm là đặc điểm độc nhất mà không một đối thủ nào hay một sản phẩm làm giả nào có. Nay, Công ty hướng tới chăm sóc đến tận người tiêu dùng cuối cùng bằng cách phát triển hệ thống công nghệ thông tin theo hướng này.
Hiện nay, theo Intage Việt Nam, thị trường dây thừng gần như nằm toàn bộ trong tay các doanh nghiệp FDI, với 51% trong phân khúc chất lượng cao, thuộc về SBV (Thái Lan) và Penro Industries (Đài Loan). Các doanh nghiệp trong nước như Hiệp Thành, Lý Thường Kiệt tổng cộng chỉ phục vụ 12%, trong phân khúc thấp hơn, sử dụng máy móc giá rẻ và tận dụng phế liệu để sản xuất. Nếu muốn cạnh tranh về chất lượng, các doanh nghiệp buộc phải đầu tư hệ thống máy móc hiện đại, xác định đầu tư trong hàng chục năm mới có thể đuổi kịp đối thủ nước ngoài.
Ngành thủy sản đã đóng góp 3,17% GDP năm 2015, với sản lượng hơn 6,56 triệu tấn. Việt Nam hiện có hơn 30.000 tàu đánh bắt xa bờ, chiếm 27% số lượng tàu thuyền của cả nước. Do đó, tiềm năng của thị trường ngư cụ tại Việt Nam còn rất lớn. Quyết định số 2760 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về tái cơ cấu ngành thủy sản đã đề xuất việc cơ cấu tàu thuyền theo hướng giảm dần tàu cá khai thác ở vùng biển ven bờ có công suất nhỏ và tăng dần loại tàu có công suất lớn.
Ông Trần Thanh Long, Phó Tổng Giám đốc Kinh doanh của Siam Brothers Việt Nam, kỳ vọng điều này sẽ tạo ra nhu cầu lớn vì phải thay thế nhiều hơn, đồng thời tăng sản lượng dây thừng loại lớn để sử dụng cho tàu lớn so với loại nhỏ cho tàu nhỏ như trước kia. Nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam tăng trưởng mạnh cũng đang mang lại cơ hội lớn. Cụ thể là các nỗ lực của Chính phủ nhằm chuyển đổi nhiều khu vực trồng lúa nước thành nông trại nuôi tôm tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long do tình trạng đất nhiễm mặn trong thời gian qua có thể kích thích sự phát triển của ngành này. Ngành công nghiệp chế biến hải sản của Việt Nam hiện vẫn trong giai đoạn sơ khai và với kinh nghiệm của Thái Lan, có tiềm năng tăng trưởng rất lớn.
Siam Brothers Việt Nam cũng tiếp tục mở rộng thâm nhập thị trường nuôi trồng thủy sản và nông nghiệp để ngày càng mở rộng thị phần, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm dây nhằm tận dụng thương hiệu tại thị trường Đông Nam Á (như Indonesia, Malaysia, Myanmar, Campuchia), Na Uy, Nhật.
Để đạt được những điều này, Siam Brothers Việt Nam đã xây dựng nhà máy thứ 4. Nhà máy mới sẽ giúp công suất của Công ty tăng thêm 30%, dự kiến giúp cho doanh thu tăng thêm 15-20% và lợi nhuận tăng thêm từ 25% trong những năm tới. SSI Research cho rằng sau khi nhà máy số 4 hoạt động hết công suất, doanh thu và lãi thuần của Công ty sẽ tiếp tục tăng trưởng trên 20% trong năm 2018. SSI Research cũng ước tính lãi trước thuế năm 2017 ở mức 131 tỉ đồng, tăng 0,2% (kế hoạch năm là 149 tỉ đồng). Lợi nhuận ròng sau thuế năm 2017 có thể đạt 118 tỉ đồng, tương ứng EPS (thu nhập mỗi cổ phiếu) năm 2017 là 5.772 đồng.
“Cánh cửa gia nhập ngành và giành được thị phần là rộng mở cho tất cả các người chơi, khi hoàn toàn không có rào cản gia nhập ngành và các bên tham gia dễ dàng bắt chước về hệ thống phân phối”, ông Long cho biết.
Thanh Hằng