Kế mới của Sơn Hà
Nếu được cổ đông thông qua trong ngày 5.10, kế hoạch phát hành trái phiếu kèm chứng quyền của Công ty Cổ phần Quốc tế Sơn Hà sẽ sớm được triển khai. Sơn Hà dự kiến chào bán trái phiếu này cho một số nhà đầu tư và thu về 200 tỉ đồng. Trước đó, Công ty đã phát hành 18 triệu cổ phiếu cho cổ đông. Nếu thành công, Sơn Hà sẽ huy động tổng cộng 380 tỉ đồng từ 2 đợt gọi vốn gần nhau này.
Theo nội dung trình bày với cổ đông, Sơn Hà cần thêm nguồn vốn để đầu tư mở rộng sản xuất. Ðầu tiên là xây nhà mới ở phía Bắc, dự kiến trị giá 140 tỉ đồng. Kế đến là xây nhà máy ở Nghệ An để phục vụ nhu cầu tại các tỉnh từ Thanh Hóa vào Quảng Bình (40 tỉ đồng). Ngoài ra, Sơn Hà cũng cần thêm khoảng 20 tỉ đồng vốn để đầu tư nhà máy sản xuất tại Myanmar.
Gặp khó vì bảo hộ
Vốn là doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm từ thép không gỉ (inox) lớn nhất Việt Nam, trước năm 2012, Sơn Hà nổi tiếng nhờ xuất khẩu được ống thép inox sang Mỹ. Mảng này từng chiếm tới 78% kim ngạch xuất khẩu của Công ty. Tăng trưởng doanh thu trung bình của Sơn Hà ở giai đoạn năm 2008-2012 là hơn 20%/năm.
Tuy nhiên, từ sau khi bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá lên mặt hàng ống thép, tình hình kinh doanh của Sơn Hà bị tác động đáng kể. Năm 2013, Công ty đã phải hủy đơn hàng sang Mỹ với khối lượng trên 1.000 tấn. Đến tháng 6.2013, Sơn Hà giảm xuất khẩu sang thị trường này xuống còn 50%, rồi giảm tiếp về mức 5%. Với mức thuế 17,72% mà Bộ Thương mại Mỹ áp dụng, ống thép xuất đi Mỹ của Công ty gần như không còn lợi nhuận. Hiện Sơn Hà đã đóng cửa hoàn toàn thị trường này.
Hiện Brazil là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Sơn Hà, chiếm 38% kim ngạch xuất khẩu trong năm ngoái. Ngoài ra, Công ty còn đang xuất khẩu sang 20 quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Ấn Độ... Tuy nhiên, tháng 8.2015, một công ty tại Thổ Nhĩ Kỳ đã phát đơn khởi kiện chống bán phá giá. Rủi ro này tiếp tục ập xuống Sơn Hà, do các nước đều có xu hướng bảo hộ sản phẩm thép.
Để gỡ khó cho thị trường xuất khẩu, Sơn Hà tính đến phương án xây nhà máy ống thép tại Myanmar nhằm đưa sản phẩm xuất sang Mỹ. Cách trên có thể giúp Công ty tránh được kiện chống bán phá giá tại thị trường này. Dự kiến, nhà máy tại Myanmar sẽ được xây dựng trong khoảng 2-3 năm, với tổng vốn đầu tư ước khoảng 100 tỉ đồng.
Gia công thép cuộn cán cũng là cách để Sơn Hà có thêm nguồn thu trong mảng sản xuất sản phẩm công nghiệp. Hiện tại, thép cuộn cán đứng thứ 2 trong đóng góp doanh thu cho Sơn Hà nhưng lợi nhuận thu về lại thấp, chỉ chiếm 7,5% tổng lợi nhuận của Công ty. Vì thế, lãnh đạo Sơn Hà cho biết khi mặt hàng ống thép có đầu ra khả quan hơn, Công ty sẽ thu hẹp sản xuất thép cuộn.
Quay lại sân nhà
Trước mắt, Sơn Hà xác định quay lại thị trường nội địa. Sản phẩm bồn nước inox hiện là mặt hàng chủ lực và mang lại lợi nhuận gộp tốt nhất cho Công ty, chiếm tỉ trọng hơn 41%. Đây cũng là mặt hàng mà Sơn Hà có thị phần dẫn đầu cả nước, riêng miền Bắc đã chiếm tới 65% thị phần. Sơn Hà đang tập trung vào phát triển phân phối mặt hàng này bởi nhu cầu tiêu thụ bồn inox tại Việt Nam là 700.000 chiếc/năm, trong khi năng lực sản xuất của Sơn Hà tại nhà máy ở Từ Liêm (Hà Nội) chỉ mới đạt 264.000 chiếc/năm.
Cơ cấu doanh thu năm 2014 của Sơn Hà |
Để gia tăng sản xuất bồn inox, theo ông Đàm Quang Hùng, Phó Tổng Giám đốc Sơn Hà, Công ty đã đầu tư và đưa vào hoạt động thêm nhà máy mới tại Chu Lai (Quảng Nam). Đây là nhà máy chủ yếu sản xuất bồn inox cho thị trường miền Trung và miền Nam, khu vực góp 20% doanh thu Công ty. Việc ra đời nhà máy này được Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá là sẽ giảm đáng kể chi phí vận chuyển cho Sơn Hà. Ngoài ra, nhà máy mới cũng giúp Công ty hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp giảm còn một nửa so với mức thuế hiện tại.
Việc đầu tư này cũng là nhắm đến triển vọng 10 năm tới, khi tổng nhu cầu thị trường ước đạt 2,5 triệu sản phẩm/năm. Sơn Hà kỳ vọng tốc độ tăng trưởng của ngành hàng bồn inox sẽ duy trì khoảng 15-20%/năm trong các năm tới.
Đối với mặt hàng chậu rửa inox, Sơn Hà đang nắm 47% thị phần và đang tiến hành nghiên cứu phát triển cho cả xuất khẩu (Úc, Canada) lẫn trong nước. Dự kiến nguồn thu từ mặt hàng này sẽ khoảng 40 tỉ đồng/năm. Nhưng Công ty đang gặp rủi ro cạnh tranh đến từ các đối thủ Picenza (tập trung xuất khẩu vào khu vực Đông Nam Á); Tân Á (xuất khẩu vào thị trường Mỹ, Canada, Nam Mỹ); và các nhà sản xuất đến từ Trung Quốc...
Thực tế, không riêng chậu rửa mà các sản phẩm inox khác của Sơn Hà đều bị cạnh tranh quyết liệt. Vì thế, để phân tán rủi ro, Công ty cũng nghiên cứu và cho ra đời các dòng sản phẩm gia dụng khác như bồn nhựa, chậu rửa inox và bình nước nóng Thái Dương Năng. Và mới đây nhất là máy lọc nước RO. Những sản phẩm này tuy chưa tạo được tiếng vang, nhưng đã đóng góp khoảng 15% doanh thu Công ty.
Điều chỉnh thị trường, sản phẩm, Sơn Hà cũng muốn cơ cấu lại nợ theo hướng giảm dần nợ vay. Dù đã giảm dần nợ ngắn hạn, nhưng thay đổi này vẫn chưa đáng kể. Công ty còn vay nợ ngắn hạn đến 70-80% và nợ phải trả cao hơn 2 lần vốn chủ sở hữu.
Do nguyên liệu chiếm đến 90% giá thành và được nhập chủ yếu từ Đài Loan, Trung Quốc, Ấn Độ, Phần Lan, Đức, Nhật và Hàn Quốc, nên Sơn Hà còn phải chịu thêm rủi ro về biến động giá nguyên liệu và tỉ giá.
Vừa qua, Sơn Hà đã công bố kết quả kinh doanh 8 tháng với doanh thu xấp xỉ 1.387 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế ước đạt 78,3 tỉ đồng, tăng 60% so với lãi cả năm 2014. Nhưng với những vấn đề kể trên, cộng thêm nỗi lo giá cổ phiếu sẽ bị pha loãng sau các đợt phát hành thêm, giá cổ phiếu Sơn Hà (SHI) vẫn chỉ ở mức 11.000-13.000 đồng/cổ phiếu.
Viết Nguyên