Ảnh: TL
Kế hoạch kinh doanh 2019: Doanh nghiệp hãm phanh
N ăm 2018, top 70 doanh nghiệp trên sàn chứng khoán đã có mức tăng trưởng lợi nhuận ròng ấn tượng 17%. Một số doanh nghiệp ngành thép, cơ điện lạnh và đạm đều có một mùa trái ngọt như doanh thu Hòa Phát tăng hơn 20,7%, đạt 56.580 tỉ đồng; Điện khí Cà Mau tăng hơn 17,06%, đạt 6.827 tỉ đồng; Công ty Cơ Điện Lạnh REE thì tăng trưởng doanh thu hơn 105 tỉ đồng với lợi nhuận ròng cải thiện mạnh hơn 30%... Mặc dù vậy, thay vì kỳ vọng tăng trưởng tiếp tục bắt đà trong năm 2019, nhiều doanh nghiệp lại thận trọng đặt kế hoạch “đi lùi”, một bước đi chiến lược có tính toán.
Bức tranh vĩ mô ít gam sáng
Có nhiều yếu tố buộc ban lãnh đạo các doanh nghiệp phải thận trọng như tình hình kinh tế vĩ mô trong năm 2019, mặt bằng lãi suất đang có xu hướng tăng trở lại từ cuối năm 2018 và quan trọng nhất là câu chuyện muôn thuở: khi doanh nghiệp đã tăng trưởng đến một mức độ nào đó, 1% tăng trưởng doanh thu tương lai sẽ lớn hơn rất nhiều 1% tăng trưởng doanh thu năm trước.
Theo Tổng cục Thống kê, GDP trong 3 tháng đầu năm nay ước tính tăng 6,79% so với cùng kỳ, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018. Việc GDP sụt giảm do một số yếu tố tạo nên sự đột biến trong quý I/2018 đã không còn. “Sau giai đoạn phục hồi năm 2016 và 2017, quý I/2018 kinh tế Việt Nam bất ngờ gặp thuận lợi trên mọi lĩnh vực nên tăng trưởng kinh tế đạt mức cao kỷ lục. Tuy nhiên, sang năm 2019, bối cảnh nền kinh tế đã không còn thuận lợi như trước”, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết.
Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Công ty Viet Analytics, cũng cho rằng, việc tăng trưởng chậm lại trong quý I/2019 là điều hợp lý, vì nền kinh tế không còn những cú hích như trong giai đoạn 2017-2018, khi các tập đoàn lớn như Samsung và Formosa “bung” công suất. Năm 2018, nền kinh tế Việt Nam đón nhận hơn 35 tỉ USD vốn FDI, trong đó vốn giải ngân đạt hơn 19,1 tỉ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong khi đó, mặt bằng chung của lãi suất đã có xu hướng điều chỉnh mạnh từ cuối năm 2018. Đối với lãi suất liên ngân hàng, tính đến ngày 31.10.2018, lãi suất liên ngân hàng đã tăng ở tất cả các kỳ hạn so với đầu năm, tăng trong khoảng từ 1,9-3,39 điểm phần trăm ở các kỳ hạn ngắn và từ 0,01-0,62 điểm phần trăm đối với các kỳ hạn từ 3 tháng trở lên.
Không dừng ở đó, sự bất ổn của thương mại quốc tế (sự kiện Brexit, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, căng thẳng chính trị ở châu Âu...) cũng khiến triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại, theo đó nhu cầu nhập khẩu hàng hóa Việt Nam có thể bị tác động tiêu cực. Với vị thế là một nền kinh tế mở, các doanh nghiệp chuyên về xuất khẩu nhiều khả năng sẽ chứng kiến doanh thu sụt giảm trong năm 2019.
Doanh nghiệp hành động
Trước bối cảnh này, nhiều doanh nghiệp đã tỏ ra thận trọng hơn trong việc đặt kế hoạch lợi nhuận trong năm nay. Mùa Đại hội cổ đông đang diễn ra, một số doanh nghiệp còn bất ngờ đặt kế hoạch kinh doanh đi lùi, trong đó có các ông lớn như Hòa Phát, REE, Tổng Công ty Khí Việt Nam...
Lấy ví dụ về tập đoàn thép Hòa Phát. 2018 là một năm rất khó khăn đối với ngành thép. Phần lớn các doanh nghiệp trong ngành này đều báo lỗ nhưng Hòa Phát vẫn lãi kỷ lục. Tuy nhiên, mới đây Tập đoàn công bố kế hoạch kinh doanh 2019 khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ: doanh thu 70.000 tỉ đồng, tăng 24% nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 22% còn 6.700 tỉ đồng.
Giá quặng sắt và thị trường tiêu thụ là 2 nguyên nhân lớn khiến ban lãnh đạo Hòa Phát trở nên thận trọng. Quặng sắt là nguyên liệu đầu vào chính của các nhà máy luyện phôi thép. Giá quặng sắt chỉ trong 1 tháng đầu năm 2019 đã tăng từ đáy 64 USD/tấn lên 94 USD/tấn trong khi năm ngoái chỉ dao động quanh mức 70 USD/tấn. Giá nguyên liệu tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến biên lợi nhuận của doanh nghiệp.
Công ty Cơ Điện Lạnh REE cũng thận trọng khi hoạch định doanh thu và lợi nhuận năm 2019. Theo đó, Công ty công bố kế hoạch doanh thu 5.577 tỉ, tăng 10% trong khi lợi nhuận ròng lại giảm 18% còn 1.465 tỉ đồng. Trong thời gian tới, mảng cho thuê văn phòng và mảng cơ điện lạnh dự kiến sẽ tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ: mảng cho thuê văn phòng với tòa nhà Etown Central và Etown 5 sẽ đóng góp 390 tỉ đồng vào lợi nhuận sau thuế; doanh thu mảng cơ điện lạnh tiếp tục đóng vai trò chủ lực với lợi nhuận đóng góp ước đạt 275 tỉ đồng.
Tâm lý thận trọng cũng hiện diện ở các doanh nghiệp ngành tài nguyên thô và tiêu dùng. Tổng Công ty Khí Việt Nam (GAS) cũng giảm tốc sau một năm thành công, với mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2019 là 9.546 tỉ đồng, giảm 32% so với năm 2018.
Việc nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các ông lớn đặt kế hoạch kinh doanh 2019 sụt giảm cho thấy thời kỳ lợi nhuận đỉnh cao dường như đã qua. Sau giai đoạn tăng trưởng bứt phá, tăng trưởng EPS (thu nhập mỗi cổ phiếu) năm 2019 được dự báo ở mức 11,1%, con số rất khả quan trong giai đoạn chu kỳ lợi nhuận đang bão hòa.