Thứ Năm | 10/04/2014 17:23

KDC chạm sàn sau gần một năm rưỡi

Cổ phiếu của Công ty Kinh Đô giảm hết biên độ trong ngày hôm nay, đánh dấu phiên giảm sàn đầu tiên kể từ hôm 21/9/2012.

Mở cửa phiên giao dịch ngày 10/4, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn như GAS, BID, MSN, BVH tiếp tục tăng giá làm trụ đỡ giúp sàn TP HCM phủ sắc xanh. Trong đợt một, Vn-Index tăng 2,15 điểm, lên 605,4 điểm. Toàn sàn khớp lệnh hơn 2,85 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 41 tỷ đồng.

Sang đợt hai, nhóm cổ phiếu penny như VOS, GTT, CIG, SHI, TTZ cùng một số mã ngành chứng khoán tăng giá củng cố thêm sắc xanh cho sàn TP HCM. Dù vậy, những phút cuối phiên sáng, áp lực bán dâng cao khiến Vn-Index đột ngột đảo chiều.

DSC-0197-JPG-6665-1397121548.jpg

Áp lực bán dâng cao đã khiến Vn-Index không trụ nổi sắc xanh trong phiên ngày 10/4. Ảnh: Anh Quân

Tâm lý thận trọng bao trùm toàn sàn TP HCM và duy trì cho đến hết phiên chiều. Đa phần giao dịch chỉ tập trung vào nhóm cổ phiếu rổ VN30. Trong đó, HAG, ITA, VIC giảm 100-500 đồng nhưng vẫn khớp lệnh ít nhất một triệu cổ phiếu mỗi mã. VNM mất 3.000 đồng, dư bán cao hơn dư mua trên 50%.

KDC là mã duy nhất chạm sàn trong phiên hôm nay, mất 4.000 đồng và đánh dấu phiên giảm sàn đầu tiên kể từ hôm 21/9/2012. Dư bán của KDC đến cuối phiên đạt gần 19.000 cổ phiếu nhưng vẫn cao hơn dư mua 1%. Nhiều nhà đầu tư bám sàn chia sẻ không hiểu vì sao cổ phiếu này lại chạm sàn. Trước đó, từ đầu tháng 4, KDC đa phần có những phiên giảm giá và mất 500-1.000 đồng.

Trao đổi với VnExpress, một nguồn tin từ Công ty Kinh Đô - đơn vị niêm yết KDC cho biết doanh nghiệp không liên quan đến các hoạt động giao dịch mã này và vấn đề giá cả có thể chỉ do cung - cầu thị trường quyết định. Phủ nhận chuyện diễn biến giá cổ phiếu KDC liên quan đến các thông tin về hoạt động nội bộ công ty, vị này cho biết nếu có bất cứ tin tức nào mới, Kinh Đô sẽ phải báo cáo lên Ủy ban Chứng khoán và công bố cho các cổ đông.

Ở chiều ngược lại, MSN tăng 1.000 đồng, PGD tích lũy thêm 1.800 đồng trong khi SSI lên 900 đồng. Dù vậy, lực tăng này chưa đủ mạnh để giúp Vn-Index đảo chiều trong ngày 10/4.

Chốt phiên, Vn-Index mất 1,92 điểm, lùi về 601,33 điểm. Thanh khoản xuống thấp so với các phiên hôm đầu tuần, toàn sàn khớp lệnh 114 triệu cổ phiếu, trị giá 2.386 tỷ đồng.

Theo một chuyên viên môi giới tại Công ty Chứng khoán VNDirect, nhịp điều chỉnh trong phiên 10/4 nhiều khả năng chỉ xoay quanh vùng 600-602 điểm. Hiện tại, thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp nên nhịp điều chỉnh diễn ra cũng là điều dễ hiểu. Chuyên viên này cho rằng đây có thể xem là cơ hội để nhà đầu tư cân nhắc mua, nắm giữ những cổ phiếu có chất lượng tốt.

Còn tại sàn Hà Nội, lúc mở cửa HNX-Index bật tăng lên mốc 88 điểm nhưng không duy trì được lâu và đuối dần về cuối phiên. Thanh khoản toàn sàn cũng thấp hơn so với những phiên hôm đầu tuần với khối lượng khớp lệnh 58 triệu cổ phiếu, trị giá 785 tỷ đồng.

PVX giảm 200 đồng, dư mua cao hơn dư bán 0,6%. Ngoài ra, PVX cũng bị các nhà đầu tư nước ngoài cũng bán ròng hơn 530.000 cổ phiếu. Một số mã ngành chứng khoán tiếp tục hạ nhiệt và điều chỉnh sau giai đoạn tăng nóng. Trong đó, VND mất 300 đồng, xuống 19.100 đồng một cổ phiếu. Dù vậy, đây vẫn được xem là mức giá cao nhất của VND kể từ phiên ngày 25/1/2011. BVS, KLS, CTS đứng mốc tham chiếu hoặc giảm 200-700 đồng.

Các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán BIDV cho rằng cả hai chỉ số chứng khoán HNX-Index và Vn-Index đều chưa hoàn toàn thoát khỏi xu thế điều chỉnh. Những thông tin vĩ mô quan trọng cũng chưa xuất hiện để có thể giúp các cổ phiếu đột phá lên vùng giá mới trong giai đoạn này. “Nhiều khả năng thị trường sẽ tiếp tục dao động và phân hóa mạnh theo các thông tin cơ bản được công bố của từng doanh nghiệp”, nhóm chuyên gia này cho hay.

Nguồn Vnexpress.net


Sự kiện