Ngân hàng Nhà nước. Nguồn: Wiki

 
Vũ Hoài Thứ Ba | 26/11/2019 16:47

KBSV: Điều chỉnh tỷ lệ LDR là hành động nhằm cải thiện sức khỏe hệ thống Ngân hàng

Theo đánh giá của KBSV, việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ lệ LDR là hành động nhằm cải thiện sức khỏe hệ thống Ngân hàng...

Ngày 15/11, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư 22 thay đổi quy định giới hạn tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng (LDR). Trong đó, NHNN có động thái siết chặt hơn cho các Ngân hàng Thương mại (NHTM) Nhà nước và nới lỏng cho các NHTM tư nhân. 

Cụ thể, từ ngày 01/01/2020, tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR)* tối đa ở mức 85% cho tất cả Ngân hàng  theo Thông tư 22/2019/NHNN. Theo đánh giá của Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), so với quy định trước đây, NHNN đã có động thái siết chặt hơn tỷ lệ này đối với nhóm NHTM Nhà nước (tỷ lệ tối đa trước đây là 90%) và nới lỏng cho nhóm Ngân hàng Thương mại cổ phần, Ngân hàng liên doanh, Ngân hàng 100% vốn nước ngoài (tỷ lệ trước đây là 80%). 

KBSV nhận định tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống sẽ không có nhiều thay đổi do sự điều chỉnh trái chiều đối với tỷ lệ LDR trong khu vực NHTM Nhà nước và Tư nhân. Theo tính toán của KBSV, phần dư nợ tiềm năng bị hạn chế của nhóm NHTM Nhà nước sẽ tương đương với phần dư nợ tiềm năng có thể tăng thêm của nhóm Ngân hàng Thương mại cổ phần. 

Nhóm NHTM Nhà nước, đặc biệt là 2 Ngân hàng chưa đạt chuẩn Basel II là BIDV và Vietinbank sẽ chịu tác động từ thông tư trên. Tính toán tỷ lệ LDR theo thông tư 36 cho thấy LDR của 2 Ngân hàng này đang ở mức 84% và 85,5% trong quý I/2019.  Bên cạnh đó, KBSV đánh giá việc 2 Ngân hàng này chưa đạt chuẩn Basel II sẽ khiến cho dư địa mở rộng tín dụng trong 2020 sẽ không còn nhiều.

NHNN đã có đánh giá khách quan hơn đối với hoạt động tín dụng của nhóm các Ngân hàng Thương mại cổ phần, đặc biệt là các Ngân hàng đã đạt chuẩn Basel II sẽ là các Ngân hàng được lợi chủ yếu. Bên cạnh việc room tín dụng nhiều khả năng sẽ được mở thêm vào năm 2020, việc nới lỏng tỷ lệ LDR sẽ giúp nhóm Ngân hàng này, như ACB, MBB, HDB và TPB sẽ có nhiều cơ hội đẩy mạnh tín dụng hơn.

KBSV dự báo tăng trưởng tín dụng và M2 trong năm 2020 vẫn được duy trì ở mức 14% và 13%, không thay đổi so với năm 2019. 

* Tỷ lệ LDR được tính theo công thức Dư nợ tín dụng/Vốn huy động. Đây là một trong những tỷ số quan trọng dùng để đánh giá chỉ tiêu an toàn của Ngân hàng. Thông thường, LDR sẽ tỷ lệ thuận với khả năng sinh lời của Ngân hàng, tỷ lệ LDR càng cao, khả năng sinh lời càng lớn. Tuy nhiên, những rủi ro thanh khoản cũng cao hơn, bởi tín dụng được coi là tài sản kém linh hoạt nhất trong số các tài sản sinh lời của ngân hàng nhưng lại là tài sản sinh lời chính.