K+ bắt tay với BHD và CJ
Công ty truyền hình số vệ tinh K+ (VSTV) vừa công bố chiến lược nội dung mới bằng kế hoạch hợp tác với hai nhà sản xuất phim là BHD và CJ (Hàn Quốc) để đầu tư sản xuất các bộ phim sẽ được phát sóng độc quyền sớm nhất trên các kênh K+ sau khi chiếu rạp.
Điển hình là hai bộ phim mới nhất vừa ra rạp Để Mai Tính 2 và Ngày nảy ngày nay sẽ chính thức được phát sóng trên K+1 vào tháng 5 và 6.2015. Tiếp đó, Bộ Ba Rắc Rối và Quyên cũng đã được K+ quyết định đầu tư. Khán giả truyền hình K+ cũng sẽ được thưởng thức kho phim điện ảnh Việt Nam sản xuất trong những năm gần đây của các hãng phim lớn trong nước như BHD, CJ, Galaxy, Skyline, Chánh Phương…trong thời gian tới.
Cùng với phim điện ảnh Việt Nam, phim điện ảnh quốc tế cũng là một trong những nội dung phong phú trên các kênh K+ được phát sóng theo chủ đề. Năm 2015, K+ đã và đang đưa những bộ phim truyền hình “bom tấn” của thế giới về Việt Nam như Sóng gió chính trường (House of Cards), Bí mật dưới mái vòm (Under The Dome), Bí ẩn ngoài không gian (Extant), Bọ cạp (Scorpion) thông qua hợp tác với Hãng RTL-CBS, một trong những hãng truyền hình giải trí hàng đầu thế giới.
Ông Jacques-Aymar de Roquefeuil, Phó Tổng Giám đốc VSTV cho biết, K+ hiện có 4 kênh truyền hình và chiến lược nội dung mới sẽ hướng tới các đối tượng khán giả riêng bằng những nội dung giải trí chuyên biệt.
Kênh K+1 trực tiếp các trận bóng đá quốc tế, K+NS phát sóng các phim điện ảnh, phim truyền hình dài tập, các chương trình giải trí, phong cách sống dành cho phái nữ. Còn K+PC sẽ phát sóng liên tục các chương trình giải trí có trên các kênh K+. Đặc biệt, các khung giờ vàng trong tuần sẽ phát sóng liên tục 2-3 tập của 1 bộ phim truyền hình dài tập. Trong khi đó, K+ PM hướng về khán giả nam với nhiều nội dung giải trí tổng hợp mạnh mẽ.
Thông tin từ Hội nghị Quốc tế về cơ hội phát triển truyền hình trả tiền diễn ra tại Hà Nội hồi tháng 9 vừa qua cho biết, chỉ số ARPU là doanh thu bình quân của một thuê bao mỗi tháng tại Việt Nam hiện nay đang thấp nhất. Năm 2013, ARPU ở Việt Nam vào khoảng 4-5 USD, trong khi đó Singapore là 32 USD, Malaysia là 30 USD, Indonesia 11 USD, Thái Lan là 11 USD, Campuchia là 10 USD, Myanmar là 10 USD và thậm chí Philippines cũng cao hơn, ở mức 9 USD.
Thời gian qua, do thị trường truyền hình trả tiền cạnh tranh khá gay gắt nên một số đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trong nước buộc phải giảm giá dịch vụ để giữ thị phần, vì vậy không thể đầu tư cho chất lượng nội dung.
“K+ đã và sẽ không đi theo hướng này, chúng tôi tiếp tục tập trung đầu tư cho nội dung mới ở mức cao nhất để thu hút thuê bao. Chiến lược này đã thể hiện hiệu quả khi lượng thuê bao K+ tăng mạnh từ mức 400.000 (năm 2013) lên hơn 750.000 (năm 2014). Con số này sẽ tiếp tục tăng trong năm sau với nội dung mới vừa được triển khai”, ông Jacques-Aymar de Roquefeuil nói.
Vĩnh Bảo