Thứ Ba | 24/07/2012 18:05

JPMorgan Chase: Lãi suất sẽ giảm thêm ít nhất 2% đến cuối năm

CPI tăng thấp hơn dự báo trong tháng 7 sẽ tạo cơ sở để NHNN hạ lãi suất trong các tháng cuối năm nay, ngân hàng JPMorgan Chase nhận định.
Trong tháng 7/2012, CPI của Việt Nam giảm 0,29% so với tháng 6 và tăng 5,35% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng này thấp hơn mức dự báo tăng 5,6% mà JPMorgan Chase đưa ra, cũng như mức dự báo 5,7% của giới quan sát nói chung.

Đã có một số ý kiến tỏ ra lo ngại, cho rằng, sự giảm tốc nhanh chóng của lạm phát là một tín hiệu đáng ngại về sự suy yếu của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, JPMorgan Chase có cách nhìn tích cực hơn.

Các chuyên gia của ngân hàng này chỉ ra rằng, tăng trưởng tín dụng và các hoạt động kinh tế diễn ra yếu ớt trong 6 tháng đầu năm, nhưng đã bắt đầu vững vàng hơn trong thời gian gần đây.

Bên cạnh đó, lạm phát cơ bản của Việt Nam (không tính tới các yếu tố giá nhiên liệu và lương thực-thực phẩm) vẫn ở mức 0,6% trong tháng 7 so với tháng 6 và ở mức 8% so với cùng kỳ năm ngoái, theo tính toán của JPMorgan Chase.

Tương tự như trong mấy tháng qua, sự đi xuống của lạm phát tháng 7 chủ yếu là do giá lương thực-thực phẩm và nhiên liệu giảm.

Theo đánh giá của JPMorgan Chase, sự giảm tốc của lạm phát có thể sẽ có hai ảnh hưởng tích cực trên diện rộng.

Thứ nhất, lạm phát giảm có thể sẽ dẫn tới việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới lỏng thêm chính sách tiền tệ, theo đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Báo cáo của JPMorgan Chase chỉ rõ, do lạm phát giảm nhanh, lãi suất chính sách thực tế của Việt Nam hiện ở mức cao nhất trong nhiều năm, bất chấp đã giảm 400-500 điểm phần trăm từ đầu năm đến nay. Từ mức âm 7,3% vào tháng 8 năm ngoái, lãi suất repo thực tế hiện ở mức dương 4,4%, cho dù lãi suất repo danh nghĩa hiện là 10% so với mức 14% vào tháng 8 năm ngoái.

JPMorgan Chase dự báo, lãi suất sẽ còn giảm thêm ít nhất 200 điểm phần trăm trong 6 tháng cuối năm.

Thứ hai, lạm phát giảm sẽ giúp cải thiện hơn nữa sự ổn định kinh tế vĩ mô và cán cân thanh toán. Áp lực đối với cán cân thanh toán của Việt Nam thường xuất phát từ các dòng vốn ngắn hạn vốn nhạy cảm với lạm phát, cũng như việc người dân di chuyển vốn và tiết kiệm giữa các kênh USD, VND và vàng. Nếu lạm phát còn ở mức thấp, các dòng vốn có thể sẽ tiếp tục chảy vào các tài sản VND.

JPMorgan Chase cũng dự báo dự trữ ngoại hối của Việt Nam còn tăng thêm trong thời gian tới, sau khi lần đầu tiên tăng kể từ năm 2008 trong thời gian gần đây.

Nguồn Vneconomy


Sự kiện