JobHop: “Google trong tuyển dụng”
T hành lập cuối năm 2016, chưa đầy 1 năm, JobHop đã nhận được khoản đầu tư hơn 700.000USD từ KK Fund, quỹ đầu tư mạo hiểm của Singapore và Mynavi của Nhật.
Thế giới của từ khóa
Các công cụ tìm kiếm phổ biến như Google hiện nay hoạt động chủ yếu dựa trên các từ khóa người dùng nhập vào, hệ thống sẽ tìm kiếm các website có nội dung tương tự và trả về kết quả. “Có thể hiểu JobHop hoạt động theo cơ chế tương tự như vậy”, Kevin Tùng Nguyễn, nhà sáng lập JobHop, chia sẻ.
Theo đó, JobHop sẽ chuyển hồ sơ xin việc trên internet và nhu cầu tuyển dụng của các công ty thành từ khóa và dùng thuật toán trên máy tính kết nối những điểm tương đồng giữa hai bên lại với nhau. Đối với các mô hình truyền thống, công việc này phụ thuộc vào con người nên hiệu suất không cao. Thay vào đó, bằng công nghệ của mình, JobHop có thể tự động hóa việc kết nối này với quy mô lớn hơn, ước tính vài chục ngàn bộ hồ sơ mỗi ngày.
Tuy nhiên, một vấn đề là trong các kết quả có thể tồn tại hồ sơ trùng lặp của ứng viên, hoặc ứng viên đã có việc nhưng chưa cập nhật tình trạng công việc của mình. Lúc này, hệ thống của JobHop sẽ tính toán dựa vào các thông tin về thời gian người lao động đăng hồ sơ, số lần họ cập nhật, truy cập vào hồ sơ... để đưa ra một bảng đánh giá nhu cầu tìm việc của người lao động từ “đã tìm được việc” cho đến “sẵn sàng cho cơ hội mới”. Ước tính, một nhân viên của JobHop hiện tại có thể xử lý lên đến hơn 300 bộ sơ xin việc mỗi ngày.
Để nắm được dữ liệu phân tích, trong 1 năm qua, Công ty đã kết nối với 26 kênh tìm việc phổ biến ở Việt Nam. Anh Tùng vui vẻ kể lại, chủ quản các kênh này đều hào hứng khi hợp tác với JobHop. “Họ có rất nhiều dữ liệu nhưng chưa biết cách, hoặc chưa có công nghệ khai thác hiệu quả”, anh cho biết.
Chính vì thế, phần lớn doanh thu hiện nay của JobHop đến từ việc cung cấp công cụ phân tích dữ liệu cho các công ty tuyển dụng, bên cạnh 2 nguồn thu khác là dịch vụ tuyển dụng theo nhu cầu doanh nghiệp và đảm nhận khâu pháp lý của các công ty nước ngoài đặt văn phòng đại diện ở Việt Nam. Ước tính thị trường này trị giá khoảng 60 triệu USD/năm.
Bên cạnh tiềm năng rất lớn ấy, khó khăn là làm sao giải quyết được không chỉ riêng việc kết nối chính xác nhà tuyển dụng với người lao động, mà còn phải tìm cách dự báo được nhu cầu công việc sắp diễn ra, đó mới là vấn đề lớn nhất của thị trường mới nổi này. Theo anh Tùng đánh giá, nguồn nhân lực Việt Nam hiện vẫn còn thiếu và chưa lấp đầy được nhu cầu của nhà tuyển dụng, nhất là trong thời điểm mà các dự án kinh doanh mới chỉ được thiết lập trong vài ngày.
Bằng việc phân tích dữ liệu, JobHop kỳ vọng có thể dự báo được nhu cầu nhân lực chính xác trên từng lĩnh vực, trên từng kỹ năng và xa hơn là có thể kết nối với các đối tác đào tạo để phát triển mạnh nguồn nhân lực ở Việt Nam. “Chúng tôi sẽ sớm đưa tính năng này ra mắt thị trường”, ông chủ của JobHop cho biết.
Tạo rào cản cạnh tranh
Sinh tại Đà Nẵng, tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế - tài chính của Đại học Arizona, Mỹ, thành công đến với Kevin Tùng Nguyễn từ khá sớm khi mới năm nhất đại học, công ty mà anh và hai người bạn thành lập đã được một tập đoàn Pháp mua lại. Đó là một dự án ứng dụng di động làm về phân tích màu sắc. Tiếp đó, anh tiếp tục khởi nghiệp với hai dự án thương mại điện tử về sách và hàng thủ công mỹ nghệ nhưng không thành công. Nhưng thất bại chỉ làm cho giấc mơ của anh lớn hơn. Sở dĩ anh rời Mỹ vì nhìn thấy tiềm năng của việc giải quyết bài toán tuyển dụng nhân sự ở Đông Nam Á, nơi mà tỉ lệ chuyển việc lên đến 30% hằng năm.
Trong khi đó, thị trường lại thiếu các giải pháp mang tính công nghệ cao như JobHop. Tính đến thời điểm hiện tại, ở Đông Nam Á chỉ có hai mô hình như vậy là JobHop (Việt Nam) và Urbanhire (Indonesia).
Giấc mơ lớn cần những người bạn đồng hành để đi xa. Chính vì thế, việc nhận đầu tư từ KK Fund và Mynavi có ý nghĩa chiến lược với JobHop vì thông qua các đối tác, JobHop có thể mở rộng mạng lưới hoạt động ở các quốc gia này trong thời gian nhanh nhất.
Song song đó, anh Tùng cũng mời các chuyên gia của Google và chuyên gia người Việt trong mảng phát triển trí tuệ nhân tạo ở nước ngoài tư vấn các công nghệ để đáp ứng khả năng phân tích và tốc độ tăng trưởng nhanh của JobHop. Mục tiêu của JobHop trong 3 năm tới sẽ nằm trong nhóm các doanh nghiệp tuyển dụng hàng đầu cho thị trường Việt Nam, Thái Lan và Philippines. “Công nghệ phù hợp, mở rộng nhanh là cách JobHop tạo ra rào cản với các đối thủ cạnh tranh trong tương lai”, anh Tùng cho biết.