JLL Vietnam: “Đã đến thời điểm đẹp để đầu tư vào Việt Nam”
Cách đây 5 năm có thể nhiều nhà đầu tư nước ngoài còn tỏ ra khá dè dặt khi bước chân vào thị trường Việt Nam nhưng mọi chuyện dường như đã đến lúc thay đổi. Ngày càng có nhiều thương hiệu lớn của thế giới đang tiến quân vào thị trường Việt Nam như Louis Vuitton hay Starbucks, cùng với các thương hiệu Châu Á như tập đoàn bán lẻ AEON của Nhật Bản .
Điều này khá dễ hiểu khi các triển vọng kinh tế của Việt Nam không ngừng cải thiện trong những năm qua. Số lượng du khách nước ngoài không ngừng tăng lên , đi kèm với sự phát triển nhanh chóng của tầng lớp trung lưu.
Xu hướng đầu tư
Hệ thống pháp lý đã được cải cách theo hướng có lợi hơn cho thị trường, trong đó đáng chú ý là việc nới lỏng các quy định về đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài và Việt kiều.
"Mặc dù chúng ta không biết chính xác nó sẽ tác động tới thị trường đến đâu nhưng đây rõ ràng là một bước đi đúng hướng", đó là nhận định của ông Rahul Parrab, đại diện cho hãng luật Baker & McKenzie tại TPHCM..
Ông Parrab nói thêm: "Điều này giúp cho các nhà đầu tư nước ngoài an tâm thực hiện các dự án đầu tư dài hạn vào Việt Nam, mà không cần phải lo ngại những thủ tục hành chính phức tạp như trước đây".
Trong một sự kiện rao bán căn hộ dành riêng cho người nước ngoài và Việt kiều vừa mới được tổ chức gần đây, 112 căn hộ được bán hết chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ.
Tuy nhiên, không chỉ riêng TPHCM mà gần như thị trường bất động sản trên khắp cả nước đang thu hút nhiều nhà đầu tư quốc tế. Trong đó có thể kể đến các nhà đầu tư lớn của Singapore với như Capital Land, Keppel Land, Mapletree, GIC với hàng loạt dự án nhà ở và trung tâm thương mại quy mô lớn.
Ngoài ra, không thể không kể đến việc Gaw Capital của Hong Kong mua lại 4 dự án từ Indochina Land Holdings 2 Ltd trị giá 106 triệu USD bao gồm cả dự án Hyatt Regency tại Đà Nẵng. Đây được xem là thương vụ lớn nhất trong quý II năm nay.
Ngoài ra, làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng phát triển khá mạnh trong thời gian gần đây. Đặc biệt là tập đoàn điện tử Samsung của Hàn Quốc đang lên kế hoạch đầu tư tới 20 tỷ USD vào Việt Nam cho đến năm 2017.
Ông Stephen Wyatt, giám đốc chi nhánh Việt Nam của công ty kinh doanh bất động sản Jones Lang LaSalle nhận định: "Chúng tôi nhận thấy có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang nỗ lực để có được chỗ đứng tại vào Việt Nam. Thị trường Việt Nam được đánh giá là có nhiều điểm hấp dẫn hơn các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, vốn đã có thị trường khá bão hòa. Việt Nam tuy có xuất phát điểm khá thấp, nhưng giờ đây đang nổi lên thành một nơi đáng để đầu tư."
Ông Wyatt nhận định rằng đà tăng trưởng trong lĩnh vực bất động sản trong vòng 2 đến 3 năm tới sẽ nhận được nhiều tác động tích cực từ việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại. Ngoài ra, mức giá cho thuê văn phòng hiện nay đang được kỳ vọng sẽ tăng lên trong năm 2015, lần đầu tiên sau gần 5 năm.
Công ty JLL nhận định với nguồn cung các văn phòng chất lượng cao (hạng A) hạn chế như hiện nay thì việc giá thuê văn phòng bắt đầu tăng cao trong những tháng cuối năm 2015 là rất có khả năng xảy ra, và có thể đạt mức gia tăng 5-10% trong năm 2016.
Cú bứt phá sau khủng hoảng
Giống như nhiều nước trong khu vực, Việt Nam đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra năm 2007-2008. Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều khó khăn như hoạt động tín dụng tăng trưởng chậm lại, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng tăng cao kỷ lục. Bên cạnh đó, với tỷ lệ lạm phát và lãi suất được neo giữ ở mức cao khiến cho thị trường bất động sản bị đóng băng trong nhiều năm liền.
Hoạt động giao dịch bất động sản chỉ mới tăng trở lại vào quý IV/2013 khi lãi suất cho vay trở nên hấp dẫn hơn. "Sau cuộc khủng hoảng năm 2010 - 2012, Việt Nam đã lấy lại được đà tăng trưởng trở lại trong 2 năm qua", ông Wyatt nói.
Với mức lương nhân công thấp, cơ cấu dân số trẻ và các nỗ lực cắt giảm thuế quan, nhiều doanh nghiệp điện tử lớn như Samsung, Microsoft và LG Electronics đang dần chuyển hướng từ Trung Quốc sang thiết lập các nhà máy mới ở Việt Nam.
"Những bất ổn tại Trung Quốc đang khiến cho nhiều doanh nghiệp không có kế hoạch mở rộng quy mô tại nước này và Việt Nam là lựa chọn tốt nhất để thay thế", ông Wytatt nói. Ông cũng nhận xét: "So với một số nước xung quanh như Thái Lan hay Indonesia, Việt Nam đang đi trước thời đại và đây chính là thời điểm đẹp để đầu tư vào Việt Nam", ông Wyatt tổng kết lại.
Ngoài ra, việc Việt Nam tích cực tham gia các hiệp định tự do thương mại sẽ góp phần mở ra nhiều cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp trong nước.
Đặc biệt là việc thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm nay, dự kiến sẽ hỗ trợ tăng trưởng cho các nước thành viên.
Trong tháng năm, Việt Nam ký kết một Hiệp định tự do thương mại với Hàn Quốc. Được biết hiện Hàn Quốc đang là nước có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI vào Việt Nam cao nhất. Trong tháng 8 vừa qua, Việt Nam hoàn thành việc ký kết thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với khối liên minh châu Âu (EU).
Vì thế, trong thời gian tới một số ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như nông nghiệp, thủy sản, dệt may và các mặt hàng điện tử sẽ có cơ hội phát triển đột phá hơn nữa.
Một trong những điểm nhấn nổi bật khác là việc đàm phán Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương TPP đang có những dấu hiệu được nối lại bàn đám phán và có khả năng sẽ được hoàn thành vào trong năm nay. Trước đó, tổng thống Obama đã cho biết ông tin rằng việc ký kết TPP sẽ hoàn tất trước khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống của mình.
Tuệ Nghi
Nguồn 4Hoteliers