Thứ Hai | 18/03/2013 09:08

JICA đưa ra 4 phương án cải tạo đường sắt Hà Nội - TPHCM

Đối với đường sắt hiện tại, Bộ trưởng Thăng đồng ý phương án nâng cấp tốc độ bình quân khoảng 90 km/h đối với tàu khách, 60 km/h đối với tàu hàng.
Cuối tuần trước, Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì buổi làm việc với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) về Dự án đường sắt tốc độ cao đoạn Hà Nội - Vinh và TPHCM - Nha Trang.

Đại diện Đoàn nghiên cứu JICA đã trình bày về Báo cáo cuối kỳ Nghiên cứu lập dự án cho các dự án đường sắt tốc độ cao đoạn Hà Nội - Vinh (dài 280km) và TPHCM - Nha Trang (dài 360km). Theo thông tin trên Sài Gòn tiếp thị, hai tuyến này sẽ khả thi về kinh tế vào khoảng năm 2030, với tỷ suất nội hoàn kinh tế (EIRR) đạt 12%. Tổng chi phí đầu tư của hai tuyến đường ưu tiên này là 21,4 tỉ USD, bằng 6,3% GDP của Việt Nam vào năm 2030.

Trong đó, các chuyên gia từ JICA đề xuất xây dựng trước hai đoạn tuyến chạy thử là Ngọc Hồi – Phủ Lý (khoảng 45km) và Thủ Thiêm – Long Thành (khoảng 36km) với tốc độ chạy tàu 320km/g. Kinh phí để làm hai đoạn chạy thử vào khoảng 3,2 tỉ USD.

Đồng thời, trên cơ sở nghiên cứu của JICA và các điều kiện thực tế của Việt Nam, JICA đưa ra 4 phương án nâng cấp hoặc cải tạo tuyến đường sắt Hà Nội - TPHCM, gọi tắt là A1, A2, B1 và B2. Trong đó, A1 là các dự án cải tạo tối thiểu để đảm bảo an toàn chạy tàu (các dự án đã triển khai và đã cam kết); A2 tăng cường năng lực vận tải cho tuyến đường sắt đơn hiện tại; B1 tăng cường năng lực vận tải bằng cách đường đôi hóa, nâng tốc độ chạy tàu lên 120 km/h và B2 kết hợp đường đôi hóa (sử dụng khổ đường 1435 mm) và điện khí hóa với tốc độ chạy tàu tối đa là 150 km/h trở lên.

Theo JICA, phương án A1 và phương án A2 là đường đơn, còn phương án B1 và phương án B2 sử dụng đường đôi, quy mô đầu tư cải tạo có sự chênh lệch lớn giữa các phương án. Đối với phương án A2, các đoạn ở miền Trung (những nơi cần cải tạo ở khu vực đèo vượt núi) cần nhiều đầu tư hơn các đoạn khác. Phương án B2 là nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện tại sử dụng đường đơn và không điện khí hóa thành đường đôi có điện khí hóa, nâng tốc độ chạy tàu tối đa từ 90 km/h thành 150 km/h cho tàu khách và 60 km/h thành 80 km/h cho tàu hàng, và tàu chở container lên 120 km/h. Việc đường đôi hóa được thực hiện bằng cách bổ sung một đường mới bên cạnh đường sắt đơn hiện có.

Tính toán của JICA cho thấy để nâng cao năng lực vận tải cho đường sắt đơn, đảm bảo hoạt động của 25 đôi tàu mỗi ngày trên tuyến đường sắt Hà Nội - TPHCM và rút ngắn thời gian chạy tàu giữa hai thành phố này xuống còn 25,4 giờ (với tàu nhanh nhất) thì tổng nhu cầu kinh phí sẽ vào khoảng 1,8 tỉ USD.

Kết luận tại cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng giao Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức nghiệm thu báo cáo, trên cơ sở đó, JICA công bố độc lập về báo cáo này. Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) sẽ thành lập Ban chỉ đạo để xây dựng dự án, triển khai nhanh tuyến đường sắt Bắc - Nam.

Ban chỉ đạo do Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông làm Trưởng ban để triển khai Chiến lược phát triển GTVT Việt Nam, trong đó có quy hoạch phát triển đường sắt mới được phê duyệt.

Đồng thời, bộ GTVT sẽ làm báo cáo trên kết quả nghiên cứu của dự án đường sắt này, để báo cáo Chính phủ về đề xuất xây dựng tuyến đường sắt Bắc - Nam.

Đối với tuyến đường sắt hiện có, Bộ trưởng Đinh La Thăng đồng ý giữ nguyên như hiện tại và cải tạo, nâng cấp với tốc độ bình quân khoảng 90 km/h đối với tàu khách, 60 km/h đối với tàu hàng.

Về xây dựng tuyến đường sắt mới, do đây là dự án có vốn đầu tư lớn, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội xây dựng tuyến đường sắt khổ đôi (sử dụng khổ đường 1435 mm), theo tuyến mới hoàn toàn độc lập với tuyến đường sắt cũ hiện nay. Việc xây dựng đường sắt mới này phù hợp với chiến lược phát triển GTVT Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Nguồn Bộ Giao thông Vận tải


Sự kiện