Thứ Tư | 20/08/2014 22:19

JFE Steel chưa dứt khoát về dự án thép 4,5 tỷ USD

JFE Steel của Nhật Bản đến thời điểm hiện tại vẫn chưa trả lời dứt khoát về khả năng tham gia dự án có tổng vốn đầu tư 4,5 tỷ USD.
Mặc dù cuối tháng trước, JFE Steel - một trong những công ty sản xuất thép lớn nhất trên thế giới, cùng với Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã họp bàn về tương lai của dự án, nhưng kết quả vẫn chưa rõ ràng.

Cần phải thấy rằng, nếu không đưa ra được cam kết chắc chắn về quy mô dự án, JFE Steel sẽ khó nhận được những ưu đãi đối với dự án sản xuất thép tại Khu Kinh tế Dung Quất.

Cách đây hơn hai năm, JFE Steel thông báo, công ty này sẽ mua cổ phần chi phối tại Dự án thép Quảng Liên tại Dung Quất từ E-united (Đài Loan), cùng với đó là kế hoạch nâng tổng vốn đầu tư lên 4,5 tỷ USD và công suất của nhà máy sẽ là 5 triệu tấn thép/năm. Tuy vậy, vào thời điểm hiện tại, JFE Steel lại đang do dự giữa việc có tiếp tục đầu tư vào Dự án thép Guang Lian với quy mô như đã công bố trước đó, hay ở một mức đầu tư thấp hơn.

Mặc dù vẫn đang lưỡng lự về quy mô đầu tư, JFE Steel lại có một loạt đề xuất với Chính phủ, đòi được hưởng những đề xuất liên quan đến ưu đãi và sự hỗ trợ của Chính phủ đối với dự án thép tại Dung Quất và coi đó như là điều kiện để Công ty đầu tư vào Việt Nam.

Những đề xuất đó bao gồm: bổ sung 210 ha đất, để nâng tổng diện tích đất của dự án lên 714 ha; điều chỉnh quy hoạch cảng biển từ 11 lên 25 bến; được kế thừa các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp 10% cho cả đời dự án đã cấp cho Dự án thép Guang Lian trước đó. Ngoài ra, JFE Steel cũng đề xuất, Chính phủ sẽ chịu chi phí 800 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng 338 ha được bổ sung thêm và chi phí nạo vét luồng đảm bảo tàu 50.00 tấn có thể ra vào cảng của dự án.

Theo một báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự án thép của JFE Steel được cho là sẽ có tác động tích cực đối với nền kinh tế của Việt Nam, đặc biệt là đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp, do các sản phẩm chủ yếu của nhà máy là thép tấm cán nóng mà Việt Nam đang phải nhập khẩu. Bên cạnh đó, công ty Nhật Bản này cũng muốn phát triển sản xuất thép cao cấp dùng trong chế tạo ô tô, các thiết bị gia dụng và các ngành công nghiệp khác.

Một khi đi vào hoạt động với quy mô lớn như JFE Steel công bố trước đó, các khoản thu từ thuế cũng không hề nhỏ đối với ngân sách nhà nước, nhưng nếu JFE Steel chỉ xây nhà máy ở một quy mô nhỏ hơn kế hoạch ban đầu, thì những đề xuất nêu trên sẽ khó nhận được chấp thuận của Chính phủ.

"Sản xuất thép hiện tại không còn là ưu tiên lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam", nguồn tin trên nói, và nhấn mạnh rằng, hiện tại Việt Nam cũng đã có các dự án thép lớn đang được xây dựng và có khả năng đáp ứng được nhu cầu trong nước, như dự án thép Formosa tại Hà Tĩnh và các dự án thép của Posco tại Bà Rịa-Vũng Tàu và Đồng Nai.

Thực ra, nghi ngại về việc JFE Steel có thể giảm quy mô đầu tư tại Dung Quất không phải là không có cơ sở, khi vào thời điểm cuối năm 2012, chính ông Eiji Hayashida, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của JFE đã trả lời báo chí nước ngoài rằng, Công ty cảm thấy lo ngại về sự cạnh tranh với các dự án thép khác được xây dựng tại Việt Nam và phía Nam Trung Quốc. Theo ông Hayashida, sự cạnh tranh với các công ty sản xuất thép đến từ Trung Quốc là "thách thức lớn nhất" và JFE cần phải "xem xét một cách thận trọng" đối với dự án tại Việt Nam.

Nguồn Đầu tư


Sự kiện