Thứ Hai | 14/01/2013 22:43

Jetstar Pacific lỗ 5 năm vẫn tiếp tục bay

Sau 5 năm hoạt động Jetstar Pacific liên tục lỗ lớn, vừa qua hãng đã chuyển máy bay Boeing 737-400 sang Airbus 320 với kỳ vọng tiết kiệm chi phí.
Tại buổi họp báo ngày 13/1 về việc chuyển đổi sang đội bay mới, các lãnh đạo Jetstar Pacific, ông Dương Trí Thành - Chủ tịch Hội đồng Quản trị và ông Lê Hồng Hà - Tổng giám đốc Jetstar Pacific đã giải đáp về chiến lược kinh doanh và kế hoạch sắp tới của Jetstar Pacific.

Theo ông Lê Hồng Hà, trước đây, khi Jetstar thành lập và khai thác, có hai dòng máy bay là Boeing 737-400 thế hệ cũ và Airbus A320. Việc cùng lúc khai thác hai dòng máy bay khiến cho hãng phải tổ chức lực lượng sản xuất để phục vụ cả hai loại máy bay, vì thế đã làm cho chi phí cao hơn, trong đó chi phí cả người lái cho Boeing 737-400 và người lái Airbus 320 để duy trì hai đội bay.

Thứ hai, do đội máy bay Boeing 737-400 đã cũ và gây ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ của Jetstar Pacific trong thời gian khai thác vừa qua. Đội máy báy A320 trẻ tuổi hơn với số năm là 5-6 năm tuổi trong cả tuổi đời khai thác là 25 năm. Đội bay trẻ hơn, mới hơn và tiết kiệm được chi phí cho Jetstar Pacific để hãng nâng cao được hiệu quả kinh doanh hơn.

Về chi phí chuyển đổi đội bay của Jetstar Pacific, ông Hà cho biết, trong đội bay Boeing 737-400, một số máy bay đến hạn trả lại nhà cho thuê, có 3 chiếc là bắt buộc phải trả sớm hơn so với hợp đồng đã ký. Bình quân mỗi máy bay phải chuyển trả và làm thủ tục chuyển trả là mất 1,5 - 2 triệu USD và tổng cộng 8 - 10 triệu USD trên tổng số 5 máy bay chuyển trả.

Về kế hoạch phát triển đội bay của Jetstar Pacific, theo ông Hà, Jetstar Pacific sẽ có những điều chỉnh lại chiến lược của mình là chậm lại một chút để củng cố lực lượng đảm bảo hiệu quả hoạt động của hãng trong năm 2013 và ổn định khai thác 5 chiếc Airbus 320.

Sau đó Jetstar Pacific tiếp tục phát triển kế hoạch đội bay mà cổ đông đã phê duyệt, theo đó cuối năm 2015 sẽ có 15 chiếc, nghĩa là trong năm 2014 và 2015, mỗi năm chúng tôi phát triển đội bay khoảng 5 chiếc.

Ngoài ra, năm 2013, Jetstar Pacific cũng sẽ khai thác quốc tế. Vì thị trường nội địa có những khó khăn do nhu cầu đi lại của hành khách chậm lại một chút, nên tuyến bay quốc tế sẽ đảm bảo cho sự phát triển của Jetstar Pacific và đem lại hiệu quả khai thác đường bay của hãng. Dự kiến cuối tháng 3 đầu lịch bay mua hè thì công ty sẽ khai thác đường bay từ TPHCM đến Singapore, từ Singapore tới Jakarta (Indonesia) và ngược lại, với tần suất dự kiến là 1 chuyến/ngày.

Về lý do chọn đường bay này, ông Dương Trí Thành cho biết, hiện thị phần của Vietnam Airlines trên đường bay này hiện khoảng là 15%. Đây là thị trường rất mở. Trước đây Jetstar Pacific cũng đã bay Đài Loan, Hồng Kông nhưng hết sức không hiệu quả nên dừng.

Trước khi “về” Vietnam Airlines, Jetstar Pacific gặp rất nhiều khó khăn, nhưng sau khi Vietnam Airlines mua lại 70% cổ phần, hãng có đã những chương trình khuyến mại giá rẻ với số lượng lớn, giá gây sốc. Có những ý kiến cho rằng, việc “chuyển” Jetstar Pacific về Vietnam Airlines và hãng này là cổ đông chi phối chính, thì mục đích chính là để đưa Jetstar Pacific trở thành hãng hàng không đi cạnh tranh với các đối thủ khác về mặt giá cả. Nhưng theo ông Thành thì chính sách giá rẻ của Jetstar Group đã có từ khi mới thành lập.

4 năm qua Jetstar Pacific luôn luôn lỗ, và năm vừa qua tiếp tục lỗ rất lớn; năm 2013, Jetstar Pacific đặt mục tiêu hòa vốn.

Ông Thành khẳng định hệ thống đường bay nội địa chưa cân đối được với giá đang bán và với chi phí đầu vào; với hệ thống đường bay nội địa thì cả Vietnam Airlines, cả Jetstar Pacific, VietJet Air, Air Mekong là đều đang tình trạng xây dựng thị trường và lỗ, chưa bù đắp được và cọi như vẫn đang ở giai đoạn đầu tư. Ông Thành từ chối cho biết số lỗ cụ thể năm 2012 và chỉ cho biết "lỗ lớn".

Nguồn Vneconomy


Sự kiện