JETRO: Nhà đầu tư Nhật quan tâm thị trường thực phẩm tại Việt Nam
Theo Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), kinh tế Việt Nam tăng trưởng bền vững, kéo theo đó là tầng lớp trung lưu và khá giả ở Việt Nam đang gia tăng khiến nhu cầu thực phẩm tăng cao.
Theo xu hướng này, các siêu thị, cửa hàng bán lẻ và nhà hàng Nhật Bản như AEON, Ministop, Family Mart, Tokyo Deli, Gyu kaku, Oshaka Ohsho đã liên tiếp được mở ra nhằm mở rộng thị phần và đáp ứng nhu cầu người dân. Theo đại diện Aeon Việt Nam, sự xuất hiện ồ ạt của các doanh nghiệp bán lẻ của Nhật là cơ hội rất tốt cho các sản phẩm uy tín của Việt Nam xuất hiện trong hệ thống phân phối của các nhà bán lẻ quy mô lớn.
Các hệ thống phân phối, bán lẻ của Nhật Bản không chỉ giúp doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước mà còn tạo điều kiện để sản phẩm Việt Nam đưa hàng hóa ra thị trường Nhật Bản và khẳng định thương hiệu ở các nước khác. Chẳng hạn, chính sách hàng hóa của Aeon tại thị trường Việt Nam là dành 80% cho hàng Việt, 20% còn lại là hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản và các quốc gia khác.
Từ đầu năm đến nay, JETRO đã tổ chức 3 hoạt động kết nối doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm với các doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, có nhiều đợt giới thiệu các sản phẩm của các doanh nghiệp Nhật tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi trong cả nước.
Sự kiện “Japan Fair” tổ chức tháng 11 vừa qua đưa nhiều mặt hàng thực phẩm, nông lâm thủy sản của doanh nghiệp nước này vào bán trong hơn 250 cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại của Nhật Bản tại Việt Nam.
Theo ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện văn phòng Jetro tại TP.HCM, có 76 sản phẩm của 26 công ty tại Nhật Bản được tuyển chọn để đưa hàng bán tại 153 cửa hàng FamilyMart, gần 100 cửa hàng Ministop hiện nay ở Việt Nam. Ngoài ra, các sản phẩm này cũng được đưa vào bán ở các trung tâm thương mại AEON (Nhật) ở TP.HCM, Bình Dương và Hà Nội.
Trong tháng 9 vừa qua, Công ty TNHH Koyu & Unitek (Đồng Nai) đã xuất khẩu lô hàng thịt gà chế biến đầu tiên sang thị trường Nhật Bản. Ông James Khưu Nhơn Hiếu, Tổng giám đốc Công ty Koyu & Unitek cho biết, trong thời gian đầu, mỗi tháng, Công ty xuất khẩu khoảng 300 tấn thịt gà. Để có sản phẩm từ gà phục vụ xuất khẩu, ngoài dây chuyền giết mổ theo tiêu chuẩn Nhật Bản, Công ty đã đầu tư 6,5 triệu USD để xây dựng nhà máy chế biến...
Hội nghị Phát triển công nghiệp thực phẩm Việt Nam, diễn ra ngày 12/12 do Văn phòng JETRO tại Hà Nội phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức. Tại đây, ông Kitagawa Hironobu, Trưởng đại diện Văn phòng JETRO tại Hà Nội cũng khẳng định, hiện có rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tìm kiếm cơ hội đầu tư trong lĩnh vực thực phẩm tại Việt Nam.
Theo ông Lê An Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, hết tháng 11 năm 2017, tăng trưởng hàng xuất khẩu nông nghiệp và thực phẩm chế biến đã tăng trên 2%. Vì vậy, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam còn nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển. Sản xuất, chế biến thực phẩm được đánh giá là có tiềm năng rất lớn, còn nhiều dư địa để phát triển, đặc biệt là một số ngành như sữa, nước giải khát, bánh kẹo, dầu ăn.
Chẳng hạn, nhu cầu tiêu thụ sữa tươi được dự báo tăng và đạt mức 27-28 lít/người/năm vào năm 2020; tiêu thụ bánh kẹo dự báo tăng khoảng 10%/năm; tiêu thụ dầu thực vật dự báo đạt 17kg/người/năm so với con số 12kg hiện nay; nước giải khát dự kiến năm 2020 đạt 6,8 tỷ lít...
Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nhận định tiềm năng đầu tư ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam còn rất lớn. Các doanh nghiệp, tổ chức, địa phương có nhu cầu thu hút đầu tư nước ngoài cần chủ động xúc tiến ở lĩnh vực này. Thu hút đầu tư nước ngoài không chỉ giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp nhận việc chuyển giao công nghệ cao trong chế biến thực phẩm, mà còn trong việc xây dựng và hình thành các vùng nguyên liệu.
Ông Saka Hrumi, đại diện Bộ Nông Lâm Thủy sản Nhật Bản cho rằng, để liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp Việt Nam- Nhật Bản cần có những buổi đối thoại hợp tác. Hiện hai nước đã tổ chức ba lần đối thoại kể từ năm 2014 đến nay.
Các buổi đối thoại này, nhằm mục đích xây dựng chuỗi giá trị thực phẩm nông nghiệp thông qua hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân tại Việt Nam. Số lượng các doanh nghiệp tham gia đối thoại ngày càng tăng lên theo số lần tổ chức. Dự định hàng năm sẽ tổ chức đối thoại hợp tác nông nghiệp - là một trong những hoạt động thực hiện tầm nhìn trung và dài hạn trong hợp tác phát triển nông nghiệp Việt Nam- Nhật Bản.
Tính riêng trong 11 tháng năm 2017, với tổng số vốn đầu tư là 8,94 tỷ USD, chiếm 27% tổng vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Nhật Bản lại giữ ngôi vị quán quân đầu tư FDI vào Việt Nam. |