JBIC: Việt Nam đang thu hút rất nhiều quan tâm từ các tổ chức tín dụng, nhà đầu tư quốc tế
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng bày tỏ sự vui mừng trước mối quan hệ hợp tác ngày càng tốt đẹp giữa Việt Nam - Nhật Bản nói chung, giữa Bộ Tài chính Việt Nam và JBIC nói riêng, Bộ trưởng đánh giá cao vai trò của Nhật Bản trong việc đưa ra các sáng kiến hợp tác khu vực, xây dựng các công cụ tài chính hỗ trợ khu vực và Việt Nam.
Đối với sự hỗ trợ của JBIC, Bộ trưởng khẳng định, trong những năm qua, những dự án quan trọng của JBIC đã góp phần giúp cho Việt Nam có những bước phát triển khả quan về kinh tế - xã hội. Bộ trưởng tin tưởng, trong thời gian tới, JBIC sẽ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ tích cực hơn nữa để Việt Nam có thêm nhiều dự án hiệu quả, góp phần phát triển đất nước bền vững.
Với những thông tin hữu ích được Bộ trưởng chia sẻ về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam với sự ổn định bền vững cùng rất nhiều tín hiệu tích cực của nền kinh tế của đất nước qua 9 tháng đầu năm 2014, ông Tadashi Maeda - Giám đốc cấp cao phụ trách khối tài chính ngân hàng dành cho phát triển cơ sở hạ tầng của JBIC đánh giá cao kết quả đạt được của nền kinh tế vĩ mô Việt Nam. Giám đốc cũng khẳng định những tín hiệu tích cực của nền kinh tế vĩ mô, những chính sách hiệu quả và những bước đi thận trọng của Chính phủ Việt Nam là cơ sở vững chắc để các Tổ chức xếp hạng tín nhiệm trong đó có JBIC đánh giá cao và nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam thêm 1 bậc.
Trao đổi với Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng về khả năng tiếp cận các nguồn vốn từ quốc tế, ông Tadashi Maeda cho rằng Việt Nam đang thu hút rất nhiều sự quan tâm từ các tổ chức tín dụng, các nhà đầu tư quốc tế trong đó có các nhà đầu tư từ Nhật Bản. JBIC sẵn sàng hợp tác và hỗ trợ Việt Nam để tiếp cận và huy động nguồn vốn đầu tư phù hợp với sự phát triển kinh tế của Việt Nam.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đánh giá cao những đề xuất và sự sẵn sàng hợp tác cùa JBIC, Bộ trưởng khẳng định, với mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, Việt Nam đang cần rất nhiều nguồn lực kinh tế trong và ngoài nước để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đặc biệt là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Tuy vậy, bên cạnh nỗ lực huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, Chính phủ Việt Nam luôn đặt mục tiêu quan trọng là đảm bảo kinh tế vĩ mô, đặc biệt là bảo đảm an toàn nợ công quốc gia.
Nguồn Theo DVO/Mof