Ảnh: TL
ITL thâu tóm Sotrans: Vì ngôi vị số 1
Công ty Cổ phần Kho vận Miền Nam (Sotrans - STG) mới đây ra thông báo sẽ lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc cho phép Indo Trans Logistics (ITL Corp) mua cổ phần mà không cần chào mua công khai, với tỉ lệ lên tới 100%. Nếu thực hiện giao dịch như dự tính, ITL sẽ thâu tóm toàn bộ Sotrans. Hiện tại, ITL đang sở hữu hơn 41 triệu cổ phiếu STG, tương đương 41,78% vốn điều lệ tại Sotrans.
Sotrans là một trong những thương hiệu nổi bật trong ngành logistics. Theo báo cáo thường niên của Công ty, với 45 năm kinh nghiệm, hệ thống kho hơn 230.000m2, đội xe 120 container, các cảng (Cảng Sotrans ICD, Cảng Sowatco Long Bình) cùng Depot Sotrans Mỹ Phước và các hợp đồng hợp tác với hầu hết các hãng hàng không, hãng tàu lớn trên thế giới, Sotrans đã tham gia cung cấp nhiều dịch vụ khép kín trong chuỗi logistics như kho bãi, giao nhận, gom hàng, khai thác cảng, vận chuyển hàng hóa trong nội địa và cả quốc tế. Khách hàng tiêu biểu của Sotrans có thể kể đến là P&G, Samsung, Olam, Cargill, Siemens, Uni-President, NutiFood...
Về kinh doanh, năm 2019, Sotrans ghi nhận doanh thu khoảng 1.836 tỉ đồng, tăng nhẹ so với năm trước. Riêng lợi nhuận ròng giảm khoảng 22%, còn 122,6 tỉ đồng. Theo ông Hồ Sĩ Tuấn, người công bố thông tin của Sotrans, nguyên nhân chủ yếu do Sotrans bị giảm doanh thu tài chính từ các công ty liên doanh, liên kết. Ngoài ra, thu nhập khác ở Sotrans cũng giảm. Tuy lợi nhuận có giảm nhưng tình hình kinh doanh của Sotrans vẫn ổn định. Vậy việc Sotrans để ITL “nuốt chửng” có hợp lý?
Thực tế, từ năm ngoái, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên, ông Trần Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Sotrans, chia sẻ: “Sotrans sẽ hoạt động chủ yếu vì lợi ích 2 cổ đông lớn. Đó là Gelex và ITL”. Ở thời điểm ấy, riêng 2 cổ đông này đã nắm 95% vốn của Sotrans. Cụ thể, Gelex chiếm khoảng 54,78%, còn ITL sở hữu 41,78% vốn điều lệ của Sotrans. Với cơ cấu cổ đông cô đặc như vậy, Sotrans đã tính đến chuyện rời sàn vì không đạt điều kiện niêm yết tại sàn TP.HCM. Công ty dự định chuyển sang giao dịch ở UpCoM cũng như không tiếp tục là công ty đại chúng.
Còn nhớ những năm 2016-2017, Gelex và ITL chạy đua thâu tóm Sotrans, sau khi SCIC tuyên bố thoái toàn bộ 47,4% cổ phần tại Sotrans (tháng 7.2015). Trong cuộc đua này, Gelex thắng thế khi giành được quyền chi phối ở Sotrans. Còn ITL bám sát Gelex và trở thành cổ đông lớn thứ 2 tại đây. Gelex là tập đoàn thiết bị điện, mở rộng đầu tư sang cả lĩnh vực bất động sản, năng lượng và logistics. Còn ITL là doanh nghiệp hoạt động cùng ngành với Sotrans.
Vì thế, dường như ITL không muốn đứng nhìn Gelex kiểm soát Sotrans. Đến thời điểm này, khi Sotrans phát đi thông tin lấy ý kiến cổ đông để ITL được mua tới 100% cổ phần ở Sotrans mà không cần chào mua công khai, ITL cầm chắc khả năng xoay chuyển sở hữu tại Sotrans.
ITL là doanh nghiệp ra đời sau Sotrans (năm 1999). Theo thông tin từ ITL, Công ty đang sở hữu hơn 100.000m2 diện tích kho bãi theo chuẩn quốc tế, trải dài từ Bắc vào Nam. ITL có hơn 18.000 nhân viên, 70 văn phòng, trung tâm phân phối ở khắp Việt Nam và mở rộng sang cả Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Singapore. Với tư cách đại diện cho hơn 22 hãng hàng không, quản lý hơn 200 chuyến bay/tuần với công suất hơn 150.000 tấn hàng hóa/năm, ITL cũng là đối tác lý tưởng cho các hãng hàng không hoạt động trong khu vực.
Liên quan đến vốn, năm ngoái, Tập đoàn Symphony International Holdings (Singapore) đã chi 42,6 triệu USD để mua cổ phần ITL từ Singapore Post, nắm 28,57% cổ phần. Hai cổ đông nước ngoài khác ở ITL, giữ hơn 11% cổ phần là ông Veera Satchatippavarn (Thái Lan) và ông Zulkifli Bin Baharudin (lãnh đạo của Singapore Post).
Về kinh doanh, năm 2018, ITL đạt mức tăng trưởng gần 50% so với năm trước đó, cao gấp 3 lần mức tăng trung bình của ngành logistics. Năm nay, ITL dự tính sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác với đối tác chiến lược ICD Tân Cảng Sóng Thần và Mapletree. Công ty còn đặt mục tiêu phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới và hướng tới đạt 500 triệu USD trong 2 năm tới.
ITL ước tính sẽ dành 70 triệu USD cho đầu tư năm 2020. Theo chia sẻ của bà Amanda Rasmussen, Giám đốc Vận hành ITL, khoản đầu tư này sẽ dưới hình thức mua bán - sáp nhập doanh nghiệp (M&A). Thâu tóm toàn bộ Sotrans có lẽ nằm trong chiến lược M&A của ITL. Về phía Sotrans có lẽ cũng kỳ vọng sẽ nhận được nhiều hậu thuẫn hơn nữa từ công ty mẹ tầm cỡ như ITL.
Có khoảng 4.000 doanh nghiệp vận tải và logistics ở Việt Nam đang giành nhau miếng bánh thị phần. Trong đó, các doanh nghiệp FDI, tuy chỉ chiếm 12% số công ty trong ngành nhưng lại nắm 70-80% thị phần (theo Vietnam Report). Chưa kể, quy mô ngành logistics Việt Nam đã gia tăng (40-42 tỉ USD) và ngành logistics ngày càng nảy sinh những nhu cầu mới, theo Hiệp Hội Logistics Việt Nam (VLA). Vì thế, năm 2019 đã chứng kiến nhiều thương vụ M&A trong ngành logistics, để tạo sức mạnh, lợi thế cho các hai. Các chuyên gia cho rằng, xu hướng M&A ngành này sẽ còn tiếp tục.