Ít khả năng lùi thời điểm tăng lương tối thiểu vùng
Các doanh nghiệp cũng cho rằng, việc tăng lương vào thời điểm này không có ý nghĩa trợ giúp người lao động mà còn khiến họ có thể mất việc khi doanh nghiệp phải sa thải lao động vì không gánh được chi phí tăng thêm.
Dù chung quan điểm về những khó khăn của doanh nghiệp, tuy nhiên, chỉ có một vài địa phương đề nghị lùi thời điểm tăng lương sau 1/1/2013 vài tháng, còn lại đa phần quan điểm chỉ khác nhau ở việc nên áp dụng mức tăng theo phương án 1 (tăng từ 530.000 – 700.000 đồng, cao nhất đạt 2,7 triệu đồng/tháng ở vùng I) hay phương án 2 (từ 400.000 – 500.000 đồng và cao nhất đạt 2,5 triệu đồng/tháng).
Ông Ngô Chí Hùng, Phó trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp - Khu chế xuất Hà Nội cho hay, 6 tháng đầu năm tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long xảy ra 13 cuộc đình công tại các doanh nghiệp lớn, chủ yếu là doanh nghiệp FDI, đa phần nguyên nhân xuất phát từ tiền lương. Hiện 80% doanh nghiệp FDI tại đây đang trả mức lương bình quân khoảng 2,35 triệu đồng/tháng, cộng các khoản phụ cấp, thu nhập của lao động vào khoảng 2,8 - 3 triệu đồng/tháng. Sau các cuộc đình công, một số doanh nghiệp đã nâng lương lên khoảng 2,6 - 2,7 triệu đồng/tháng, cộng phụ cấp thu nhập lao động đã nâng lên khoảng 3,5 triệu đồng/tháng.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh, ông Bùi Ngọc Quang cũng cho hay, dù là vùng II nhưng mức lương bình quân của các doanh nghiệp tại tỉnh này hiện cũng đã đạt mức 2,5-2,7 triệu đồng/tháng so với mức quy định 1,78 triệu đồng hiện hành.
Ở một góc độ khác, hai đại biểu của Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An lại đề cập đến tính minh bạch của doanh nghiệp. Theo đại biểu của Thanh Hóa, kể cả trong giai đoạn kinh tế phát triển ổn định, nhưng cứ đề xuất tăng lương là doanh nghiệp lại giở bài kêu lỗ, không đủ sức chịu đựng.
“Có 5 doanh nghiệp tại Khu kinh tế Nghi Sơn năm nào cũng báo lỗ, nhưng mấy năm gần đây năm nào cũng phát triển thêm nhà máy mới, họ còn đang dự tính sẽ thu hút thêm 2 vạn lao động. Nếu lỗ thì làm gì có chuyện mở rộng liên tục như vậy”, vị đại diện này chia sẻ.
Trên cơ sở ý kiến của các địa phương, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho rằng, việc tăng theo phương án 1 hay 2 vào thời điểm nào cũng có những điểm phù hợp và chưa phù hợp.
Tuy nhiên, phương án áp dụng vào 1/1/2013 là cân bằng tốt nhất lợi ích giữa các bên trên cơ sở các nghiên cứu khoa học của Bộ nên ít có khả năng lùi thời điểm tăng lương. Tuy nhiên, Bộ sẽ tổng hợp ý kiến của địa phương và doanh nghiệp trình Chính phủ trong tháng 9, việc áp dụng phương án tăng cao hay thấp, tăng vào thời điểm nào sẽ do Chính phủ quyết định trong tháng 10 tới.
Nguồn Báo Đầu tư