Thứ Hai | 18/03/2013 11:23

Iraq không còn là điểm nóng đầu tư với các tập đoàn năng lượng

Bất ổn chính trị, điều khoản hợp đồng kém hấp dẫn, cơ sở hạ tầng tắc nghẽn làm ngành dầu khí Iraq giảm sức hút trong mắt các "ông lớn" dầu khí.
Hồi tháng 7/2009, Iraq tổ chức vòng đấu thầu giấy phép khai thác dầu khí đầu tiên sau chiến tranh, đây được cho là một trong những sự kiện được mong chờ nhất trong lịch sử ngành công nghiệp dầu mỏ. Các tập đoàn dầu khí hàng đầu như ExxonMobil, Royal Dutch Shell và BP khi đó đã đổ xô đến Baghdad để tham gia sự kiện này. Thế nhưng, khi vòng 4 được tổ chức vào tháng 5 năm ngoái, không ai trong số họ tham gia đấu thầu.

Sự thiếu vắng bóng dáng những tập đoàn dầu khí lớn phản ánh rằng họ đã không còn "ảo tưởng" vào ngành dầu khí Iraq, nơi từng được coi là tấm vé nóng nhất trong ngành năng lượng toàn cầu.

Bất ổn chính trị, các điều khoản hợp đồng kém hấp dẫn và cơ sở hạ tầng tắc nghẽn làm ngành dầu khí Iran giảm mạnh sức hút trong mắt các "ông lớn" dầu khí phương Tây.

Nhiều công ty đã chuyển hướng quan tâm từ phía Nam sang khu vực bán tự trị Kurdistan. "Iraq là môi trường khắc nghiệt nhất mà chúng tôi từng hoạt động và sẽ tiếp tục khắc nghiệt trong nhiều năm tới", giám đốc điều hành một tập đoàn dầu khí lớn phương Tây cho biết.

Khi quân đội Mỹ xâm lược Iraq 10 năm về trước, các nhà lý luận âm mưu cho rằng các công ty dầu Mỹ sẽ ngay lập tức tận dụng cơ hội để thâu tóm những mỏ dầu khổng lồ của đất nước. Tuy nhiên, thực tế là các công ty dầu khí Mỹ hiện nay gần như vắng mặt tại Iraq.

Với trữ lượng dầu khí được phát hiện lớn thứ 5 thế giới, dễ dàng thăm dò địa chất và chi phí sản xuất thấp, Iraq từng được coi là một điểm nóng đầu tư trong ngành dầu khí toàn cầu. Khi kiểm soát Iraq vào năm 2003, Mỹ đã lên kế hoạch phục hồi các mỏ dầu lớn của Iraq và nâng sản lượng lên 1,5 triệu thùng/ngày. Các khoản đầu tư ồ ạt đổ vào Iraq và trong tháng 8 năm ngoái, Iraq bơm hơn 3 triệu thùng dầu/ngày vào thị trường, vượt Iran thành nước sản xuất dầu lớn thứ 2 OPEC, lần đầu kể từ cuối những năm 80.

Tuy nhiên, môi trường kinh doanh tại nước này ngày càng xấu đi: bất ổn chính trị an ninh, cơ sở hạ tầng nghèo nàn thiếu đường ống dẫn dầu, các trạm bơm và kho chứa. Việc này khiến sự phục hồi ngành dầu khí Iraq chậm lại. Nước này hạ mục tiêu sản lượng từ 12 triệu thùng xuống còn 9 triệu thùng/ngày vào giai đoạn năm 2017-2020.

Trái với Baghdad, khu vực bán tự trị Kurdistan của Iraq lại thu hút được nhiều sự quan tâm của các tập đoàn năng lượng phương Tây. Trong thời gian qua, chính phủ khu vực này đã ký hơn 50 thương vụ với các tập đoàn dầu khí nước ngoài bao gồm Exxon, Chevron, Total SA và Gazprom Neft của Nga. Quan chức Kurdistan cho biết muốn nâng sản lượng nơi đây từ 200.000 thùng lên 1 triệu thùng/ngày vào năm 2015.

Sở dĩ Kurdistan thu hút được các tập đoàn dầu khí lớn là do những điều khoản chia sản lượng mà khu vực đưa ra "hào phóng" hơn so với các hợp đồng của Baghdad. Tuy nhiên, Baghdad coi những thương vụ mà Kurdistan ký là bất hợp pháp và từ chối trả doanh thu xuất khẩu cho các công ty dầu đang hoạt động tại khu vực bán tự trị này. Để trả đũa, chính phủ Kurdistan đã cho dừng xuất khẩu dầu qua đường ống chính của Iraq.

Baghdad cho biết các công ty dầu chỉ có thể hoạt động tại một trong hai khu vực, chứ không thể hoạt động cùng lúc tại 2 nơi. Đối mặt với sự lựa chọn, Exxon năm ngoái đã quyết định bán hết cổ phần tại dự án dầu West Qurna trị giá 50 tỷ USD. Người trong ngành cho biết, Baghdad có thể cung cấp những điều khoản hợp đồng hấp dẫn hơn nhằm giữ Exxon ở lại với Iraq.

Những tập đoàn dầu khí phương tây khác cũng đang chật vật tại Iraq. Tập đoàn dầu khí Staoil của Nauy năm ngoái đã rời khỏi Iraq trong sự thất vọng.

Nguồn FT/KhamPha


Sự kiện