FT

 
Chủ Nhật | 30/07/2017 11:24

Iran tìm kiếm điều gì từ thương vụ 4,8 tỷ USD với Pháp và Trung Quốc?

Thương vụ này sẽ giúp vực dậy ngành năng lượng của Iran, vốn đang bị tụt hậu về công nghệ do thiếu vốn đầu tư trong một thời gian dài.

Vào đầu tháng 7, Iran đã ký một thỏa thuận trị giá 4,8 tỷ USD với một nhóm công ty do tập đoàn dầu khí Total của Pháp dẫn đầu, để phát triển mỏ khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới là South Pars, nằm ngoài khơi Iran.

Đây là thương vụ đầu tiên giữa Iran với một công ty châu Âu trong hơn một thập kỷ qua.

Trong dự án South Pars này, Total nắm 50,1% cổ phần, tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) nắm 30%, và Petropars của Iran giữ phần còn lại là 19,9%. Theo kế hoạch, dự án này sẽ bắt đầu cung cấp khí đốt cho thị trường Iran từ năm 2021.

Dù thương vụ này là khá chậm, chỉ trở thành hiện thực khoảng 18 tháng sau khi Liên minh châu Âu (EU) dỡ bỏ lệnh trừng phạt lên quốc gia Trung Đông này, nhưng Iran hy vọng rằng nó sẽ đánh dấu một kỷ nguyên mới về sự tin tưởng của giới đầu tư và là một cú huých cho sản lượng dầu đang đi xuống của mình.

 “Quyết định ký hợp đồng South Pars 11 của Total là một dấu hiệu tích cực mang tính thận trọng cho nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực thăm dò và sản xuất của Iran”, chuyên gia phân tích địa chính trị Richard Mallinson tại Energy Aspects bình luận.

Iran tim kiem dieu gi tu thuong vu 4,8 ty USD voi Phap va Trung Quoc?
Vị trí của vỉa khí đốt South Pars. Ảnh: caspianbarrel.org

Ai khác đang sẵn sàng đầu tư vào Iran?

Một trong những đối tác trung thành nhất của Iran là Ấn Độ đã thông báo rằng một nhóm doanh nghiệp của họ sẽ đầu tư 11 tỷ USD để phát triển một mỏ khí đốt tự nhiên khác của Iran là Farzad-B, và xây dựng cơ sở hạ tầng cho việc xuất khẩu. Thông tin này được Bloomberg lấy từ Narendra Kumar Verma, giám đốc đơn vị đầu tư nước ngoài của công ty thăm dò dầu khí và khí đốt lớn nhất Ấn Độ là Oil & Natural Gas Corp. (ONGC).

Iran là nhà cung cấp dầu thô lớn thứ hai cho Ấn Độ, và do đó Ấn Độ cũng là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất trong ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đốt của Iran. Tuy nhiên, các mối quan hệ ngoại giao căng thẳng giữa Iran và những nước khác đã làm cho mối quan hệ giữa hai quốc gia này khó được duy trì.

Dưới lệnh trừng phạt của Mỹ lên Iran được củng cố thêm hồi tháng 6, Ấn Độ không thể giao dịch với Iran bằng đồng USD, đồng tiền dự trữ hàng đầu của thế giới, mà phải hoãn lại việc thanh toán, hoặc chọn thanh toán bằng đồng rupee và gần đây hơn là đồng euro.

Theo Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng của Mỹ (EIA), Iran có nguồn dự trữ khí đốt tự nhiên lớn thứ hai và lượng dầu dự trữ đứng thứ tư thế giới, tương đương với 10% lượng dự trữ dầu thô của thế giới và 13% của OPEC.

Iran tim kiem dieu gi tu thuong vu 4,8 ty USD voi Phap va Trung Quoc?
Các nước có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới. Ảnh: oilprice.com

Vì sao bây giờ Total mới ký thỏa thuận?

Total từng là một trong những nhà đầu tư lớn nhất ở Iran trước khi lệnh trừng phạt được đưa ra. Dù thỏa thuận này đã được đưa ra hồi năm ngoái, nhưng tập đoàn này phải chờ đợi một sự rõ ràng hơn về thái độ của chính quyền Mỹ đối với việc trừng phạt Iran.

Trong suốt chiến dịch tranh cử Tổng thống của mình, ông Donald Trump từng cam kết “chấm dứt” thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Mỹ và Iran, vốn nhằm giảm bớt các lệnh trưng phạt. Tuy nhiên, chính quyền Trump vẫn chưa làm điều này, và thay vào đó là áp đặt thêm các lệnh trừng phạt mới.

Cho đến nay Total mới chỉ cam kết một gói đầu tư ban đầu trị giá 1 tỷ USD, vì cho rằng rủi ro liên tục kéo dài.

Dù thương vụ với Total và CNPC sẽ giúp vực dậy ngành năng lượng của Iran, vốn đang bị tụt hậu về công nghệ do thiếu vốn đầu tư, nhưng sản lượng của nó sẽ hoàn toàn dành cho thị trường trong nước, và ít có tác động lên thị trường quốc tế.

Iran tim kiem dieu gi tu thuong vu 4,8 ty USD voi Phap va Trung Quoc?
Sản lượng dầu của Iran đã hồi phục trở lại sau khi dỡ bỏ một phần các lệnh cấm vận, nhưng hiện đã chạm đỉnh. Ảnh: CSIS

Theo Financial Times, dù các công ty năng lượng lớn như Shell (Hà Lan) và Eni (Ý) đã ký những thỏa thuận với Iran, thì con đường hồi phục của ngành năng lượng Iran hiện vẫn còn đầy chông gai.

Mallinson nhắc lại trường hợp Azadegan, một dự án khai thác dầu khí khác của Iran đã liên tục bị trì hoãn  do những lo lắng về quan hệ thương mại của Iran.

Mallison nói: “Việc đấu thầu cho mỏ dầu Azadegan được cho là sắp diễn ra nhưng rồi bị hoãn lại tới 3 hoặc 4 tháng để các công ty nước ngoài có thêm thời gian phân tích. Điều này cho thấy rằng các công ty lớn mà Tehran thật sự muốn thu hút phần lớn là chưa sẵn sàng theo đuổi những thương vụ tại Iran”.

“Hiện tại, sản lượng dầu của Iran hầu như không tăng trưởng, và cứ mỗi lần nhà đầu tư nước ngoài trì hoãn việc quay trở lại thì là thêm một lần đẩy lùi thời hạn tăng trưởng sản lượng”.

Lê Thanh Hải

Nguồn CNBC