IPO Masan Resources tạo dòng tiền cho M&A
Chiều nay (21/7), Công ty Tài nguyên Masan (Masan Resources) tổ chức hội thảo "Khai mở kho báu quốc gia" tại thành phố Hồ Chí Minh.
Masan Resources dự kiến đưa công ty niêm yết trên sàn UpCom của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội chậm nhất là cuối năm nay.
Masan Resources có vốn điều lệ 7.194 tỷ đồng, tương đương với 719.447.328 cổ phần. Tính đến hết năm 2014, tổng tài sản công ty đạt 25.106 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 11.133 tỷ đồng.
Công ty dự kiến kế hoạch kinh doanh trong giai đoạn 2015-2017 đạt doanh thu lần lượt 4.181 tỷ đồng, 6.278 tỷ đồng và 6.978 tỷ đồng. Mức lợi nhuận thuần dự kiến trong ba năm này lần lượt đạt 112 tỷ đồng, 1.143 tỷ đồng và 2.059 tỷ đồng.
Doanh thu của công ty sẽ được tính bằng USD, điều này sẽ đối phó với sự mất giá của tiền đồng và lạm phát. Đặc điểm này biến Masan Resources thành giải pháp đầu tư thay cho vàng và bất động sản.
Đại diện công ty cho biết, việc niêm yết sẽ tạo dòng tiền cho các hoạt động M&A và hợp nhất ngành vonfram, đồng thời, giúp đa dạng hóa thành phần cổ đông, hỗ trợ tầm nhìn trung và dài hạn cho công ty.
Trước đó, vào ngày 3/7 vừa qua, công ty đã chốt danh sách cổ đông để thực hiện đăng ký lưu ký tập trung, phục vụ việc đăng ký giao dịch cổ phiếu công ty trên UpCom.
Masan Resources là công ty sở hữu dự án Núi Pháo. Đây là dự án mỏ đa kim khai thác lộ thiên được vận hành bởi Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo. Núi Pháo chiếm 33% sản lượng vonfram cơ bản (tức sản lượng vonfram từ mỏ) toàn thế giới ngoài Trung Quốc.
Núi Pháo sản xuất hai sản phẩm chính là vonfram và florit. Vonfram được sử dụng phổ biến trong chế tạo công cụ cắt và mũi khoan chống mài mòn, dây tóc bóng đèn và trong thép hợp kim. Florit dùng để sản xuất Axit Flohydric sử dụng trong công nghiệp mạ điện, thép không gỉ, chất làm lạnh và chất dẻo.
Bên cạnh đó, Núi Pháo còn chế biến Bismuth (sử dụng trong ngành được phẩm, hóa chất, gốm sứ, sơn và chất xúc tác), đồng (dùng cho cáp điện và dây dẫn, hóa chất, dược phẩm và hợp kim gồm đồng và đồng thau), một lượng nhỏ vàng (dùng trong nha khoa, y tế, công nghiệp điện tử và đồ trang sức).
Dự án Núi Pháo (Thái Nguyên) được cấp phép thăm dò và khai thác trong năm 2005 sau khi các hoạt động thăm dò bắt đầu năm 2000.
Năm 2010, Masan Group đã mua lại quyền kiểm soát dự án, sau nhiều năm ít tiến triển dưới quyền sở hữu của nước ngoài.
Masan Resources cho biết, sau gần 5 năm mua lại, Masan đã đầu tư gần nửa tỷ USD vào dự án này. Dự án Núi Pháo đã trở thành dự án vonfram đầu tiên trên thế giới gia nhập thị trường trong 15 năm qua và trở thành mỏ vonfram lớn nhất thế giới ngoài Trung Quốc.
Trường Văn