Thứ Ba | 02/06/2015 07:30

IPO bệnh viện mở lối cho tư nhân

Nếu được vận hành hiệu quả, tỉ suất lợi nhuận ròng trên doanh thu các bệnh viện thu về có thể lên đến 20%.

Một tin vui đã đến cho giới đầu tư trong và ngoài nước họat động trong lĩnh vực y tế khi mới đây, Chính phủ đã cho phép thí điểm cổ phần hóa một số bệnh viện có tên tuổi. Bước đi này được xem là dấu hiệu có thể khởi đầu cho làn sóng đầu tư mới của khu vực tư nhân vào một lĩnh vực tối quan trọng của Việt Nam hiện nay.

Cụ thể, bệnh viện Nam Thăng Long (Hà Nội) đã được yêu cầu nghiên cứu đề án cổ phần hóa. Một bệnh viện khác có quy mô lớn hơn là Bệnh viện Giao thông Vận tải Trung ương đã trình lên Chính phủ phương án cổ phần hóa, tiến hành bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào tháng 9.2015. Thương vụ này được xem là phép thử của Chính phủ về tính hấp dẫn của các đợt cổ phần hóa bệnh viện trong thời gian tới.

Bệnh viện Giao thông Vận tải Trung ương thuộc tuyến y tế cao nhất trong ngành giao thông vận tải, có đối tượng khách hàng là cán bộ công nhân viên trong ngành và nhân dân. Đây là 1 trong số 31 bệnh viện có dịch vụ phục vụ người bệnh tốt nhất cả nước năm 2011, theo Bộ Y tế. Quy mô của bệnh viện khá lớn với 23 khoa, tổng số giường bệnh vào khoảng 400 giường. Bệnh viện này có diện tích đất lên tới 21.200 m2, nằm ngay trung tâm Hà Nội.

Nhờ vào vị thế đầu ngành và tài sản khá hấp dẫn, nên thương vụ cổ phần hóa Bệnh viện Giao thông Vận tải Trung ương đã nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư có tên tuổi trong và ngoài nước như Tập đoàn T&T của bầu Hiển, Công ty Công nghệ Y Cao, hay 2 tập đoàn bất động sản danh tiếng khác đã lấn sân sang lĩnh vực y tế khá thành công trong các năm qua. Bên cạnh đó, thương vụ này còn nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư đến từ Singapore là Tập đoàn Brookline Medical.

Trong phương án cổ phần hóa lần này, quy mô vốn điều lệ sau khi IPO sẽ lên tới 430 tỉ đồng, Nhà nước sẽ chỉ còn nắm giữ 30% vốn. Nhờ vậy, quyền kiểm soát và ra các quyết định hệ trọng sẽ thuộc về cổ đông tư nhân.

Để gia tăng tính hấp dẫn, Chính phủ dự kiến sẽ cấp các chính sách ưu đãi khủng cho bệnh viện này sau khi cổ phần hóa. Theo đó, Chính phủ sẽ áp dụng chính sách thuê đất miễn phí, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm kể từ ngày có thu nhập chịu thuế và giảm 50% trong 5 năm kế tiếp. Mức thuế thu nhập doanh nghiệp trong toàn bộ vòng đời của bệnh viện dự kiến chỉ là 10% năm.

Bên cạnh đó, Cục Y tế Giao thông Vận tải cũng đề xuất ngân sách tiếp tục cấp số tiền chi thường xuyên cho bệnh viện, khoảng 25 tỉ đồng/năm, trong vòng 3 năm sau khi cổ phần hóa để hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp.

Một điểm quan trọng khác làm tăng tính hấp dẫn của sự kiện cổ phần hóa Bệnh viện Giao thông Vận tải Trung ương là việc giá các dịch vụ chữa bệnh sẽ được phép tăng phù hợp với chi phí đầu vào thực tế và sẽ do Hội đồng Quản trị bệnh viện này quyết định.

Cho đến nay, hệ thống bệnh viện của Việt Nam vẫn còn rất kém phát triển. Ngân sách hằng năm rót vào lĩnh vực y tế tuy nhiều, nhưng không đủ để cải thiện chất lượng vì nhu cầu quá lớn. Theo đánh giá mới đây của hãng nghiên cứu thị trường y tế Rubicon Strategy Group, chi tiêu y tế của Chính phủ Việt Nam bình quân trên đầu người thuộc dạng cao nhất khu vực, chỉ sau Thái Lan, ở mức 81 USD/người/năm.

Trong khi đó, vai trò của các bệnh viện tư vẫn còn rất khiêm tốn. Theo Hội đồng Phát triển Thương mại Hồng Kông, các bệnh viện tư tại Việt Nam chỉ mới chiếm khoảng 12% tổng quy mô bệnh viện cả nước. Việt Nam vẫn thiếu những chính sách hiệu quả để thúc đẩy đầu tư từ bên ngoài. Ðiều này đã ảnh hưởng tiêu cực đến các mục tiêu quốc gia về chăm sóc sức khỏe, cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân Việt Nam.

Việc tham gia tích cực hơn của khu vực tư nhân chắc chắn là điều cần thiết để giảm gánh nặng cho ngân sách, giúp kêu gọi thêm các nguồn lực để đầu tư vào hệ thống cơ sở vật chất, quản lý và đặc biệt là thu hút đội ngũ bác sĩ tài năng trong và ngoài nước.

Dĩ nhiên, thách thức để thành công vẫn là rất lớn cho các nhà đầu tư. Nhưng không thể phủ nhận tiềm năng của thị trường chăm sóc sức khỏe, khi chi tiêu dành cho y tế của người dân ngày càng cao hơn.

Điều này đã được chứng minh trên thực tế. Bên cạnh một số trường hợp thất bại của các bệnh viện tư nhân trong các năm qua, vẫn có không ít trường hợp khá thành công như Vạn Hạnh, An Sinh, Triều An hay Hoàn Mỹ. Nếu được vận hành hiệu quả, tỉ suất lợi nhuận ròng trên doanh thu các bệnh viện thu về có thể lên đến 20%.

Bên cạnh IPO thí điểm một số bệnh viện, trong năm nay, Chính phủ dự kiến sẽ tổ chức bán đấu giá cổ phần tại 8 công ty dược. Bao gồm Tổng Công ty Dược Việt Nam, Công ty Dược phẩm Trung ương 1, Công ty Dược phẩm Trung ương 2, Tổng Công ty Thiết bị Y tế Việt Nam, Công ty Dược khoa - Đại học Dược Hà Nội, Công ty Vắcxin và Sinh phẩm số 1, công ty Vắc xin và Sinh phẩm Nha Trang và Công ty Vắcxin Pasteur Đà Lạt

Sơn Thanh