Ảnh: investo.vn

 
Bảo Trung Thứ Tư | 19/02/2020 08:00

Influencer hết thời

Instagram loại bỏ nút like có thực sự vì lợi ích của người dùng?

S ự thay đổi lớn nhất của mạng xã hội Instagram là việc tuyên bố sẽ xóa bỏ dần nút like - một biểu tượng của mạng xã hội khi ra đời. Lý do được đưa ra là giúp người dùng có thể tập trung chia sẻ những điều họ yêu thích... Tuy nhiên, liệu đây có phải lý do chính đáng nhất của công ty chủ quản Facebook hay không?

Lý do của lý do

Bà Mia Garlick, đại diện Instagram, chia sẻ: “Chúng tôi mong rằng bản thử nghiệm này sẽ gạt bỏ được những áp lực về việc gia tăng số lượng like trong bài post, từ đấy bạn có thể tập trung chia sẻ những điều bạn yêu thích. Chúng tôi đang thử nghiệm tại Úc để tìm hiểu làm sao nâng cao những trải nghiệm của người dùng tại Instagram và liệu thay đổi này có giúp mọi người tập trung kể những câu chuyện của bản thân mình hơn là nhằm gia tăng số lượng like của bài post không”. Nhìn thoáng qua, sự thay đổi này có vẻ như là vì sức khỏe tâm lý của người sử dụng, nhưng thực sự có phải như vậy?

 

Một nghiên cứu gần đây của Royal Society for Public Health đã xếp hạng Instagram là mạng xã hội gây ảnh hưởng xấu nhất lên sức khỏe tâm lý của người trẻ, bao gồm cả bệnh lo âu, nạn bắt nạt trên mạng, áp lực theo kịp những tiêu chuẩn của xã hội về vẻ đẹp và sự nổi tiếng.

Tuy nhiên, dưới góc độ kinh tế, đây lại là một nước cờ thông minh nhằm giúp tăng doanh thu, bởi sự phát triển của mạng xã hội đã sản sinh ra một nghề rất “hot” là influencer (những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội). Rất nhiều người sử dụng đã có được một lượng lớn follower (người theo dõi) lên tới hàng triệu người, việc kiếm tiền từ đó là rất dễ. Các nhà quảng cáo sẽ đổ xô tranh giành những người dùng có số lượng follower lớn trên mạng xã hội, mà bỏ qua trung gian đó chính là công ty cung cấp, nhằm quảng bá và hướng đến khách hàng tiềm năng của họ.

Nhưng chính vì lý do đó mà bản thân mạng xã hội sẽ không còn thu được tiền quảng cáo, nguồn lợi nhuận chính của họ. Bằng việc làm cho tính năng “like” trở nên vô hình đối với người sử dụng, Instagram đã thẳng tay loại bỏ “nền kinh tế số lượng like”. Những nhà quảng cáo và doanh nghiệp sẽ phải trực tiếp liên lạc tới Instagram để quảng bá cho sản phẩm, góp phần bảo đảm rằng Instagram sẽ hưởng lợi từ các giao dịch quảng cáo.

Minh chứng cho việc này chính là Instagram đã thẳng tay loại bỏ hơn 30 trang vi phạm điều khoản và dịch vụ của họ. Tất cả những trang này đã kinh doanh và ký hợp đồng quảng cáo trực tiếp với những công ty thứ 3 và thu được vài triệu USD trong khi Instagram không được hưởng một đồng nào.

Chỉ quan tâm tới lợi nhuận

Trong năm 2019, phong trào từ bỏ mạng xã hội, điển hình là Facebook, ngày càng gia tăng khi các công ty này đã vi phạm tới quyền riêng tư cá nhân. Họ bán dữ liệu người dùng cho các nhà quảng cáo, các doanh nghiệp để kiếm lời. Theo công ty nghiên cứu thị trường Edison Research, lượng thành viên Facebook nhóm tuổi 12-34 đã giảm 17 triệu người so với năm 2017, nhóm 35-54 tuổi cũng đã giảm 3 triệu người. Tuy nhiên, bất chấp sự chỉ trích từ phía truyền thông và người dùng, báo cáo tài chính của Facebook lại cho thấy sự thật trái ngược: cả doanh thu, lợi nhuận và số người dùng trên các nền tảng của Facebook, bao gồm Instagram, WhatsApp đều tăng.

 

Theo báo cáo tài chính quý III/2019, doanh thu của Facebook đã tăng tới 29% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 17,65 tỉ USD, vượt dự báo trước đó của Refinitiv là 17,37 tỉ USD. Lợi nhuận ròng cũng vượt dự báo, với 6,09 tỉ USD. Tính chung cả quý, công ty chủ quản Facebook vẫn có 2,8 tỉ người dùng hoạt động mỗi tháng và 2,2 tỉ người dùng mỗi ngày trên các nền tảng Facebook, Messenger, Instagram, WhatsApp. Các số liệu này đều nhỉnh hơn quý trước.

Thực tế chứng minh, việc bỏ hiển thị like, thứ cốt lõi hoạt động của mạng xã hội, không hề làm người dùng ít sử dụng ứng dụng hơn mà ngược lại họ còn dùng nhiều hơn và Facebook vẫn ngày càng giàu có hơn. Sức khỏe của người tiêu dùng chỉ được ưu tiên khi điều đấy tốt cho việc kinh doanh của chính nền tảng này. Người thiệt nhất có lẽ chính là những influencer khi họ bị trừ khử trên chính nền tảng của họ, vì đã dám làm tiền mà không chịu “chia” cho công ty.