50-60% sản phẩm của Samsung xuất khẩu vào của Indonesia dưới dạng linh kiện, phụ kiện. Ảnh: Hải Vân
Indonesia áp quy định như Nghị định 116 nhập ô tô
Những con số xuất khẩu các mặt hàng mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện vào thị trường Indonesia ghi lại một thực tế, tiến trình xử lý những vướng mắc liên quan tới vấn đề này chưa mang lại nhiều thay đổi.
Quyết định tương tự Nghị định 116
Tổng Cục Hải quan ghi nhận, tháng 1.2019 xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của Việt Nam sang Indonesia đạt 2,36 tỉ USD USD, tăng 0,2% so với tháng trước, nhưng vẫn giảm 0,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện vào thị trường Indonesia đang giảm xuống do những quy định mới của Chính phủ Indonesia có hiệu lực, từ năm 2018, sản phẩm nhập khẩu vào thị trường này phải đạt 70% tỉ lệ nội địa hóa.
Đại sứ Indoanesia tại Việt Nam, ông Ibnu Hadi, khi trao đổi với NCĐT, không cho đây là một sự “trả đũa” của Indonesia với Nghị định 116 của Việt Nam về nhập khẩu ô tô nguyên chiếc, lý do khiến xuất khẩu của Indonesia vào Việt Nam sụt giảm, năm 2018 xếp thứ 4 các nước ASEAN xuất khẩu vào Việt Nam, thay vì thứ 2 chỉ 2 năm trước đó.
“Quyết định này tương tự Nghị định 116 của Việt Nam về nhập khẩu ô tô nguyên chiếc. Với quyết định của chúng tôi, doanh nghiệp Việt Nam chỉ được xuất khẩu linh kiện, phụ kiện sang thị trường Indonesia, không phải những sản phẩm hoàn chỉnh”, ông Ibnu Hadi nói.
Thực ra, theo ông Ibnu Hadi, ý định này của Indonesia đã có từ 4 năm trước và đến năm 2018 mới thực hiện, không phải “nghị định mang tính đột xuất” như Nghị định 116 của Việt Nam. Các công ty Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Indonesia đã nhận được những thông tin liên quan từ trước.
Ông Ibnu Hadi dẫn chứng, Samsung khi xuất khẩu điện thoại sản xuất từ Việt Nam vào thị trường Indonesia đã nhận thức rất rõ về chính sách này. Đến nay, đã có 50-60% sản phẩm của Samsung xuất khẩu vào của Indonesia dưới dạng linh kiện, phụ kiện, không phải điện thoại nguyên chiếc như trước đây.
Trên thực tế, người tiêu dùng Indonesia mới là đối tượng chính chịu tác động từ những rào cản thương mại này. Đại sứ Ibnu Hadi nói “điều đó là có thể”, nhưng cho rằng, người tiêu dùng mới chính là người quyết định về việc sử dụng sản phẩm, dựa trên các tiêu chí về giá, chất lượng.
Cần thời gian cho hành động cụ thể
Việt Nam – Indonesia đang phấn đấu đạt mốc kim ngạch hai chiều 10 tỉ USD vào năm 2020. Thế nhưng, những quy định mang tính bảo hộ, đang là một trong những rào cản để hai nước đạt được mục tiêu này.
Tổng thống Widodo, tại hội đàm trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam hồi tháng 12.9, thông báo, đã giao Bộ Công nghiệp Indonesia chủ trì giải quyết các vấn đề liên quan đến nhập khẩu mặt hàng ti vi, điện thoại di động của Việt Nam vào Indonesia.
Cũng tại hội đàm, phía Indonesia ghi nhận đề xuất của Việt Nam về việc không tiếp tục áp dụng các quy định về tỷ lệ nội địa hóa đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong đó có điện thoại di động, tivi của Việt Nam tiếp cận hơn nữa thị trường Indonesia.
Việt Nam và Indonesia đã nhất trí sớm đưa kim ngạch thương mại hai nước đạt 10 tỉ USD theo hướng cân bằng, trong đó có việc hạn chế áp dụng các rào cản thương mại và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, các cam kết.
Một điểm quan trọng nữa, ASEAN kể từ tháng 12.2015, chính thức trở thành một khối kinh tế khu vực gồm 10 thành viên ASEAN, hơn 600 triệu người tiêu dùng. Đại sứ Indoanesia tại Việt Nam xác nhận việc “mỗi quốc gia vẫn hướng tới một chính sách riêng”.
Để ASEAN thực sự là một khối kinh tế, Đại sứ Ibnu Hadi cho rằng, mỗi quốc gia cần “suy nghĩ khác” để thực hiện mục tiêu thị trường chung. Song, với thực tế hiện nay, ông, ông nói: “Cần có thời gian để mỗi một quốc gia có những hành động cụ thể”.