IMF: Vùng Vịnh có thể đối phó được với giá dầu lao dốc
Giá dầu Brent hôm 16/12 giảm xuống dưới 60 USD/thùng, lần đầu tiên kể từ 2009 từ mức đỉnh 115 USD/thùng hồi tháng 6.
Nếu giá dầu tiếp duy trì ở mức thấp như hiện nay trong năm tới, nguồn thu ngân sách của 6 nước thành viên giàu có thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) sẽ chịu tác động tiêu cực nhất kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008. Tất cả các nước này, ngoại trừ Qatar, sẽ hứng chịu thâm hụt ngân sách khi nguồn thu từ dầu thô giảm mạnh; Bahrain và Oman sẽ ngập sâu vào nợ nần.
Các nước thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh. |
Harald Finger, giám đốc IMF tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), phát biểu tại cuộc hội thảo tài chính tại Dubai rằng do các nền kinh tế lớn của GCC có nguồn dự trữ tài chính khổng lồ nên sẽ không phải giảm mạnh chi tiêu công, do vậy, có thể tránh được suy thoái kinh tế.
“Hầu hết, các nước GCC có dự trữ ngoại hối lớn cộng với khả năng vay mượn, do đó, không cần phải giảm chi tiêu một cách nhanh chóng”, ông Harald Finger cho biết.
Tuy vậy, chỉ riêng hôm thứ Ba 16/12, đã có 49 tỷ USD bốc hơi khỏi thị trường chứng khoán các nước GCC.
Theo ông Finger, UAE có thể phải sử dụng đến dự trữ ngoại hối để duy trì mức chi tiêu của chính phủ nếu giá dầu duy trì ở mức hiện tại hoặc giảm sâu hơn.
Dự trữ ngoại hối của Abu Dhabi ước đạt khoảng 800 tỷ USD, gấp 2 lần GDP của UAE, do vậy, có thể bù đắp thâm hụt ngân sách trong nhiều năm.
Bộ trưởng Kinh tế UAE Sultan bin Saeed al-Mansouri cho biết, dự trữ tài chính của nước này đủ lớn để giúp UAE không phải cắt giảm đầu tư vào các dự án phát triển trong những năm tới.
Đến nay, giới đầu tư quốc tế dường như nhất trí rằng các nền kinh tế lớn ở vùng Vịnh có thể “chịu đựng” được giá dầu ở mức thấp mà không vấp phải khủng hoảng nợ hoặc suy giảm tăng trưởng kinh tế.
Nguồn DVO/Reuters