Thứ Sáu | 06/07/2012 18:06

IMF: Việt Nam cần đẩy nhanh tái cơ cấu ngân hàng

IMF cũng khuyến nghị Việt Nam nên cẩn trọng trong những đợt giảm lãi suất và xây dựng lại quỹ dự trữ ngoại hối.
Theo kết luận của Ban Giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) trong đượt điều tra tháng 5/2012, cơ quan này đánh giá, các chính sách kinh tế vĩ mô thắt chặt của chính phủ Việt Nam đã có hiệu quả và uy tín của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng mạnh, nền kinh tế đã bắt đầu đi vào ổn định.

Niềm tin vào tiền đồng đã được cải thiện, nhờ đó thu hẹp khoảng cách tỷ giá giữa thị trường phi chính thức và chính thức. Các nhà đầu tư, cả trong và ngoài nước, đang chuyển dịch sang các tài sản tiền đồng, cho phép NHNN tăng mạnh dự trữ ngoại hối trong những tháng đầu năm.

Tuy nhiên, các Giám đốc Điều hành lưu ý rằng nền kinh tế Việt Nam vẫn còn các điểm rủi ro và dễ bị tổn thương. Một thách thức lớn là cân bằng giữa hỗ trợ cho nền kinh tế đang chậm lại và rủi ro suy giảm lòng tin, do vậy, IMF nhấn mạnh Việt Nam phải cân nhắc cẩn trọng những đợt cắt giảm lãi suất chính sách tiếp theo. Trong trung hạn, cơ quan chức trách cần hướng tới các công cụ chính sách dựa trên thị trường và một cơ chế tỷ giá linh hoạt hơn.

Ngoài ra, các Giám đốc Điều hành IMF cũng thúc giục các cơ quan chức trách đẩy nhanh việc thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngân hàng. Các ngân hàng cần ghi nhận các khoản nợ xấu, tăng cường quy mô và chất lượng vốn và cải thiện công tác quản trị. Các cơ quan chức trách cần củng cố khuôn khổ giám sát và quản lý, bao gồm các biện pháp giải quyết ngân hàng, và cải thiện tính minh bạch trong hệ thống ngân hàng.

Các Giám đốc Điều hành cũng kêu gọi đẩy mạnh các nỗ lực cải cách doanh nghiệp Nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, trong đó hoan nghênh các kế hoạch cổ phần hóa và tư nhân hóa một số lượng lớn các doanh nghiệp Nhà nước, nhưng nhấn mạnh rằng chìa khóa để cải cách thành công là tăng cường trách nhiệm giải trình và kỷ luật tài chính.

Theo Điều IV Điều lệ Quỹ Tiền tệ Quốc tế, IMF thực hiện thảo luận song phương với các nước hội viên, thông thường là hàng năm. Một đoàn cán bộ tới làm việc ở quốc gia hội viên, thu thập thông tin kinh tế và tài chính, và thảo luận với các quan chức về diễn biến kinh tế và các chính sách của quốc gia.Khi trở về trụ sở chính, cán bộ Quỹ soạn thảo một báo cáo, là cơ sở để Ban Giám đốc điều hành thảo luận. Khi kết thúc thảo luận, Tổng Giám đốc Điều hành, là Chủ tịch Ban, tóm tắt quan điểm của các Giám đốc điều hành, và tóm tắt này được chuyển cho các nhà chức trách của quốc gia.

Nguồn DVT/SBV


Sự kiện