Thứ Ba | 23/10/2012 15:25

IMF: Nợ xấu ngân hàng góp phần làm trầm trọng hóa nợ quốc gia

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng nợ xấu là đương nhiên khi thắt chặt tài khóa và tái cấu trúc, song cam đoan không dùng ngân sách xử lý nợ xấu.
Theo thông tin trên website Bộ Tài chính, ngày 22/10, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung và đại diện thường trú Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam, ông Sanjay Kalra đã có buổi thảo luận về tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam.

Theo ông Sanjay Kalra, kinh nghiệm của châu Âu cũng như Mỹ thời gian qua càng chứng tỏ mối liên kết mạnh mẽ giữa tăng trưởng của nền kinh tế với khu vực ngân hàng. Có thể thấy, khó khăn trong vấn đề nợ xấu của nhóm ngân hàng cũng góp phần làm trầm trọng hóa nợ quốc gia.

Thực tế, nếu ngân hàng hoạt động không tốt, sẽ tác động đến chức năng tài trợ vốn cho nền kinh tế, từ đó ảnh hưởng tới tăng trưởng. Điều này thể hiện trong 3 quý vừa qua tại Việt Nam khi khu vực ngân hàng thương mại không thể thực hiện đúng chức năng cung ứng vốn cho nền kinh tế khiến tăng trưởng đã giảm xuống dưới mức kế hoạch đề ra từ đầu năm 2012.

Với chính sách điều hành nền kinh tế thời gian qua, đại diện IMF cho hay, hiện có ý kiến cho rằng vào thời điểm này, nới nỏng cả chính sách tài khóa và tiền tệ mới là lối ra cho nền kinh tế nhưng cũng có ý kiến khác lại cho rằng 2 chính sách này cần được thắt chặt phù hợp, cùng với đó là phải cải cách khu vực ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước.

Về phía Bộ Tài chính, Thứ trưởng Trương Chí Trung cho rằng, hiện không có một phương thuốc chung nào để chữa trị cho tất cả các căn bệnh. Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam thực hiện chính sách tài khóa - tiền tệ vừa chặt chẽ vừa nới lỏng. Theo đó, các chính sách động viên được giảm đi để kích thích nền kinh tế tăng trưởng và để bù lại, Bộ Tài chính sẽ tăng cường các chính sách chống thất thu thuế để khai thác bổ sung thêm vào ngân sách.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng cho biết, nợ xấu trong ngân hàng là điều đương nhiên khi thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt song song với quá trình tái cấu trúc. Hiện Việt Nam đang tập trung xử lý vấn đề này bằng nhiều cách như mua bán, sáp nhập các ngân hàng yếu vào ngân hàng mạnh, có thể dùng đến biện pháp tái cấp vốn…song cam đoan sẽ không dùng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu. Đây là vấn đề không thể xử lý một sớm một chiều mà phải mất khá nhiều thời gian.

Về cải cách doanh nghiệp nhà nước, đến nay, tất cả các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước đã xây dựng xong kế hoạch tái cấu trúc, từ 2013, lộ trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước sẽ được tiến hành. Nếu thị trường tốt hơn, cải cách sẽ nhanh hơn.

Nguồn Khampha


Sự kiện