IMF: Nợ xấu của các ngân hàng Châu Á đang gia tăng mạnh
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đưa ra cảnh báo về rủi ro bình ổn tài chính toàn cầu tại hội nghị mùa xuân của tố chức này tại Washington, và những lời cảnh báo đó đã ngay lập tức được chứng minh với một báo cáo lợi nhuận của 1 ngân hàng tại Mumbai (Ấn Độ).
Đó là điều đã diễn ra vào ngày thứ Tư 19/4 vừa qua. Hôm đó, IMF đưa ra một báo cáo cho thấy đang có sự gia tăng đáng báo động của các khoản nợ xấu doanh nghiệp – những trường hợp mà lợi nhuận hoạt động không đủ bù cho lãi phải trả - tại Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kì và Brazil. Và đúng như lời cảnh báo, Yes Bank - một ngân hàng Ấn Độ vừa mới huy động thêm tiền từ cổ đông trong tháng trước - đã báo cáo tỷ lệ nợ xấu trên tổng tài sản đạt 1,52% tại thời điểm cuối tháng 3, tăng gần gấp đôi so với mức 0,85% trong tháng 12.
Ấn Độ vốn có sẵn có nhiều ngân hàng nhà nước yếu kém, nhưng Yes Bank không phải nằm trong số đó. Việc nợ xấu của Yes Bank tăng lên là do chi nhánh sản xuất xi măng của tập đoàn Jaiprakash Associates. Vốn là chủ đường đua Công thức 1 duy nhất của Ấn Độ, Jaiprakash là một con nợ trầm kha, có một khoản trái phiếu bằng USD sẽ đáo hạn vào tháng 9, và hiện tại Jaiprakash chỉ có thể thanh toán khoảng 42% số nợ này. Bộ phận xi măng của công ty này đang trong quá trình bán lại cho một tỷ phú Ấn Độ, nên có lẽ Yes Bank vẫn có hy vọng được trả nợ.
Tỷ lệ vay nợ cao của các doanh nghiệp là một mối lo cho những thị trường mới nổi giống như Ấn Độ, vì phần lớn số nợ này tập trung ở các công ty làm ăn yếu kém như Jaiprakash. Nợ của các công ty có tỷ lệ khả năng chi trả thấp hơn 1 đang chiếm tới 22% tổng nợ tại Ấn Độ, 17,5% tại Indonesia và gần 13% tại Trung Quốc.
Chủ nghĩa bảo hộ
Dù tình trạng nợ xấu trong khối doanh nghiệp Ấn Độ đã tồi tệ như vậy, tỷ lệ 22% kể trên còn có thể tăng lên 6,7 điểm phần trăm trong trường hợp xấu nhất của chủ nghĩa bảo hộ.
Tỷ lệ nợ rủi ro cao tại các nước mới nổi, tính theo điểm phần trăm. Màu xanh là tỷ lệ hiện tại, màu vàng là nguy cơ đến từ rủi ro toàn cầu, màu đỏ là nguy cơ từ chủ nghĩa bảo hộ gia tăng. Ảnh: Bloomberg/IMF |
Tệ hơn là, theo như lưu ý của IMF, sự gia tăng phần bù rủi ro trên toàn cầu có thể làm tổng các khoản nợ xấu doanh nghiệp ở các thị trường mới nổi tăng thêm 135 tỷ USD (tăng phần bù rủi ro nghĩa là các doanh nghiệp sẽ phải đi vay với lãi suất cao hơn). Chủ nghĩa bảo hộ cũng là một nguyên nhân khác giúp gia tăng con số này. Các chính sách thương mại của chính quyền Trump có thể không tác động nhiều lên các nước chuyên xuất khẩu hàng hóa như Nga hay Arab Saudi, nhưng nó có thể làm tình hình nợ của các doanh nghiệp Trung Quốc xấu đi nhanh chóng.
Càng ngày càng tệ
Tỷ lệ nợ xấu và nợ có vấn đề đã tăng lên tại nhiều quốc gia mới nổi, phản ánh tình trạng kinh tế suy yếu (Brazil, Nga) hoặc tỷ lệ đòn bẩy đang gia tăng (Trung Quốc)
Màu xanh nhạt: tỷ lệ nợ xấu tại Trung Quốc, bao gồm nợ có vấn đề. Màu xanh đậm: tỷ lệ nợ xấu tại các nước đang phát triển (trừ Trung Quốc), bao gồm nợ có vấn đề. Màu vàng: tỷ lệ nợ xấu tại Trung Quốc. Màu đỏ: nợ xấu tại các nước đang phát triển (trừ Trung Quốc). Ảnh: Bloonberg/IMF |
Có một điều may mắn cho Indonesia là hệ thống ngân hàng nước này đang trong tình trạng tốt. Trong khi đó, Ấn Độ, Nam Phi, Nga và Trung Quốc đều đối mặt với nhiều vấn đề. Các ngân hàng ở những nước này không có đủ lợi nhuận hay vốn để bù đắp nếu nợ xấu của các doanh nghiệp gia tăng. Sau khi trích lập thêm dự phòng nợ mất vốn, khoảng 45-77% số nợ doanh nghiệp tại những quốc gia này là thuộc về các ngân hàng có tỷ lệ vốn cấp 1 dưới 10%.
Khả năng sinh lời tệ hại của các công ty là cũng là một nguyên nhân khiến nợ xấu gia tăng, và hiện tượng này đã làm chao đảo Ấn Độ. Bất kể là nếu tỷ lệ nợ xấu gia tăng vì chi phí rủi ro lên cao hay là chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy, các nền kinh tế mới nổi khác cũng sẽ khó mà được an toàn trong thời gian tới.
Bá Ước
Nguồn Bloomberg